Ngoài kia, có những bạn trẻ đang đứng rước sự lựa chọn: Bỏ học để mưu sinh hay đi học tiếp. Chúng tôi xin đăng tải bài viết của nhà thơ Nguyễn Phong Việt như là sự sẻ chia chân thành góp vào hành trang cho các bạn trẻ.
Nửa đêm, bạn - một cô giáo đang chủ nhiệm lớp 10 tại một trường trung học của một tỉnh lẻ miền Trung, nhắn tin qua FB. Bạn nói em có một học sinh lớp 10 vừa bỏ học để ra Hà Nội làm cho một công ty giày dép vì gia đình quá khó khăn. Em đã thuyết phục bằng mọi cách mà học trò vẫn không chịu về. Chỉ còn một tuần nữa là hết thời hạn nhà trường cho phép nghỉ học và bạn học trò đang đứng trước nguy cơ từ bỏ mãi mãi một chỗ ngồi trên ghế nhà trường trong khi chỉ vừa bước qua tuổi 15.
“Anh có thể giúp em viết một điều gì đấy, để em share bài viết trên Facebook của học trò và hy vọng bạn ấy sẽ hồi tâm chuyển ý. Quay lại với lớp học…” - bạn nói trong sự thành tâm.
Mình sẽ phải viết về điều gì bây giờ. Thật sự mình cũng không biết chắc.
Mình sinh ra trong một gia đình có bảy anh em trai. Nhà không phải là khó khăn mà phải nói là cực kỳ khó khăn. Má kể ngày anh Hai đi học đại học, hành trang giắt theo người là một ít tiền vay nợ cộng với mấy củ khoai lang mang theo để lót dạ trên đường.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt.
Má mình đi mót lúa từ những năm mới 9-10 tuổi. Ba mình tuổi đó thì cũng đã mưu sinh trên đồng ruộng. Vậy mà ngày ba má sinh ra mấy anh em, chưa hề một lần ba má bắt một đứa con nào phải nghỉ học. Ăn có thể ít, có thể nhịn. Mặc có thể mặc đồ cũ. Nhưng ngày nào cũng phải đến trường, không thể bỏ học. “Đời ba má chỉ có cái nghèo thì đời mấy đứa tụi con phải thoát nghèo. Sống đến một lúc nào đó phải ngẩng mặt lên với đời chứ không thể như ba má mỗi ngày đều cắm mặt xuống để mưu sinh…”.
Mình còn nhớ năm tháng đó, bữa cơm của gia đình thường xuyên là ăn cơm với rau muống. Chỉ đơn giản là rau muống trồng sau nhà nên có sẵn, khỏi phải mua. Từ rau muống xào cho đến luộc, cho đến làm gỏi… Nhiều năm về sau này, mình vẫn nhớ tô canh rau muống lấy từ nước rau muống luộc vẫn là món canh ngon nhất trong ký ức. Tô canh có màu vàng nhạt, nêm thêm ít bột ngọt, tiêu và muối cộng thêm một lát chanh. Chỉ vậy thôi, bữa cơm nhà nghèo nhưng chưa bao giờ thiếu sự tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn về sau này.
Mình đi học chưa bao giờ được ba má chỉ dạy bất cứ điều gì ngoài việc phải đến trường như là việc bắt buộc. Cuộc mưu sinh khiến cho ba má đã mệt phờ sau từng ngày dài. Chỉ có cách tự học. Giỏi hay dở là do mình. Vậy mà chưa một lần cảm thấy mình bị bỏ rơi vì chẳng được ba má quan tâm lo lắng. Người ta nói trong cái nghèo khó con người thường hay nỗ lực sinh tồn đến mức tối đa. Mình nghĩ mình cũng giống vậy. Và mấy anh em mình cũng vậy. Mãi về sau này, thứ gì mình kiếm được cũng là do chính mình tự tay tạo ra. Đó là một thứ hạnh phúc không bao giờ gọi tên được.
Nhà thơ Nguyễn Việt Phong trong một buổi ký tặng sách cho độc giả trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bạn bè mình ngày ấy, từng có đứa bỏ học để đi bán vé số, đi làm thợ giúp việc… kiếm thêm được vài ba chục ngàn đồng phụ giúp cho gánh nặng gia đình. Cái thư thả trong một ngày hay một tháng, một năm đó… vô hình trung lại khiến cho cả cuộc đời về sau của bạn mãi luẩn quẩn với việc kiếm năm ba chục ngàn đồng một ngày. Đôi khi gặp lại nhau, nhìn nhau trong sự ngỡ ngàng, chỉ mới gần 40 tuổi mà nhìn bạn như một ông già 50-60 tuổi. Sương gió cuộc đời đã khiến bạn không có ngày nào được thư thả, bạn mưu sinh từ ngày thơ bé và cuối đời gánh nặng ấy vẫn y trên vai.
Nhìn thấy bạn và đôi khi tự dưng mình ao ước. Nếu ngày đó ba má bạn chịu đựng hơn một chút với cảnh nghèo, bạn quyết liệt đến trường hơn một chút… thì biết đâu đời bạn đã khác. Và đời con bạn trong hiện tại đã khác…
Ba má bạn đã đẩy bạn vào đời quá sớm. Và kỳ vọng gì ở một đứa trẻ trên dưới 10 tuổi bước chân vào đời với sự hồn nhiên vô tư có sẵn là nhiều nhất.
Nghịch cảnh thì ai cũng có nhưng vấn đề là bạn bước qua nó như thế nào. Mãnh mẽ hơn khi đối mặt ra sao.
Ngày hôm nay bạn kiếm được 100 ngàn mỗi ngày, hay thậm chí vài ba trăm ngàn mỗi ngày bằng cách sử dụng sức lao động chân tay. Và 10 năm sau, hay thậm chí 20 năm sau, bạn nghĩ sức lao động tay chân của bạn có còn được như ngày hôm nay. Và bạn sẽ làm gì để kiếm tiền hơn thế hay vẫn chỉ có vậy. Chấp nhận cuộc đời mình đã được định đoạt ngay từ khi bạn bước chân vào đời ở một cái tuổi ăn chưa no và lo chưa tới.
Có những con người không cần đến trường vẫn có thể thành công. Có những người nghỉ ngang trường học vẫn có thể trở thành một người tài giỏi. Nhưng đó là con số ít, rất ít. Đến trường dù như thế nào cũng sẽ là một nền tảng để con người trưởng thành cả về kiến thức lẫn tính cách.
Bạn chọn quay trở lại trường học hay tiếp tục mưu sinh trong một xí nghiệp hay một công ty nào đấy, lựa chọn vẫn là ở bạn.
Chỉ là bạn hãy nhớ, đừng để cuộc đời này nhẫn tâm với bạn trong khi bạn hoàn toàn có thể tự đứng trên đôi chân mình, quyết định được vận mệnh con người mình.
Nhất là khi bạn còn cả một tuổi trẻ phía trước để mơ ước về những thứ tốt đẹp hơn cho chính bạn!