Nhà trường đối thoại với sinh viên

Những bức xúc của sinh viên về công tác đào tạo, bất cập trong hình thức học chế tín chỉ, thiếu chỗ ở ký túc xá... của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM được sinh viên phản ánh thẳng thắn với lãnh đạo trường tại buổi “đối thoại cùng phát triển” lần thứ tư của trường vào hôm qua (30-5).

Rắc rối tín chỉ, điểm thi

Mở đầu, các sinh viên đã phản ánh đào tạo theo tín chỉ còn quá rắc rối. Trường triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong tình trạng chưa có một cổng thông tin, phần mềm hoàn chỉnh, liên thông. Mặt khác, nhiều sinh viên cho rằng trả điểm bài thi, công bố điểm thi còn chậm, gây ảnh hưởng đến kế hoạch học tập. Ông Lê Khắc Cường - Trưởng phòng Đào tạo trả lời: “Việc trả điểm thi chậm ba năm qua nhà trường đã kiên quyết khắc phục. Nhiều thầy cô đã bị hiệu trưởng phê bình bằng văn bản nên hiện nay hiện tượng này có giảm. Cụ thể là học kỳ một vừa qua chỉ còn bảy trường hợp giảng viên cơ hữu trả điểm thi chậm. Nguyên nhân do nhiều thầy cô làm công tác kiêm nhiệm nên quá bận, chấm bài thi không kịp và bệnh đột xuất”.

Theo ông Cường, đa số trường hợp trả điểm chậm thường rơi vào giảng viên thỉnh giảng. Hiện nay, 50% giờ dạy là do các giảng viên thỉnh giảng đảm nhiệm, đặc biệt các ngành Đông phương học, báo chí, quan hệ quốc tế, đô thị học. Hiệu trưởng trường đã chỉ đạo các khoa, bộ môn không tiếp tục mời cộng tác đối với các thầy cô giáo liên tục trả điểm thi chậm.

Sẽ đăng ký học phần qua mạng

Về quản lý học vụ, các sinh viên cho biết nhà trường bố trí số lượng sinh viên mỗi phòng học chưa hợp lý. Chưa kể lịch học thay đổi thường xuyên, sinh viên chưa chủ động chọn lịch học, chọn giảng viên. Ông Cường giải thích lịch học các môn học đại cương (ba học kỳ đầu) ít biến động nhưng vẫn còn bất hợp lý do chưa có phần mềm đăng ký học phần qua mạng, chuyên viên phòng đào tạo phải sắp xếp thủ công.

“Đó là chưa kể số lượng sinh viên đăng ký mỗi môn học khác nhau, phòng ốc của trường hiện nay chưa đủ đáp ứng nên việc phân phòng gặp khó khăn. Hiện phòng đào tạo đang xây dựng phần mềm đăng ký học phần qua mạng, bao gồm cả việc lên lịch học tập, phân lớp học. Lãnh đạo trường sẽ ngồi lại với các khoa để xem xét việc này, tránh gây phiền hà cho sinh viên” - ông Cường nói.

Ký túc xá thiếu chỗ

Những sinh viên ở lại trường buổi trưa để học tiếp buổi chiều than phiền rằng thiếu chỗ nghỉ trưa nên phải nằm rải rác ở các hành lang. Đại diện quản trị cơ sở thiết bị nhà trường cho biết trước đây cơ sở học ở Thủ Đức có hội trường rộng nên sinh viên có chỗ nghỉ trưa, giờ hội trường biến thành thư viện nên thiếu chỗ. Duy nhất còn cơ sở Đinh Tiên Hoàng (quận 1) có thể đáp ứng nhu cầu cho sinh viên nghỉ trưa tại trường.

Nhiều sinh viên ở Thủ Đức cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng thiếu chỗ ở trong ký túc xá nên phải ra ngoài ở trọ rất phức tạp. Mặt khác, việc mất cắp trong ký túc xá của trường cũng thường xảy ra. Đại diện trường cho biết sắp tới sẽ xây ký túc xá mới, đảm bảo chỗ ở cho khoảng 100 ngàn sinh viên. Trước mắt, trường sẽ cho kiểm tra thẻ sinh viên để không cho người lạ vào ký túc xá.

Ông Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nhận định tại các buổi đối thoại, những đóng góp thẳng thắn của sinh viên về những vấn để cụ thể giúp nhà trường hoàn thiện và phát triển tốt hơn. “Chúng tôi sẽ yêu cầu các phòng, ban xem xét, phản hồi với sinh viên hoặc sinh viên trao đổi lại với nhà trường qua các số điện thoại trường công bố. Mong rằng qua các cuộc đối thoại, các bạn sinh viên hiểu rõ và chia sẻ khó khăn với trường để học tập tốt hơn” - ông Sen nói.

Giáo trình quá xưa

Trả lời ý kiến sinh viên về việc giáo trình thiếu và lạc hậu, đại diện Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho rằng gần đây, công tác xuất bản giáo trình đã tốt hơn. Tuy nhiên, trường vẫn chưa theo kịp yêu cầu công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Nguyên nhân do trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản nên việc công bố một giáo trình thuộc loại này không phải dễ. Cạnh đó, khoa học cơ bản ít có những phát triển đột biến như các ngành khoa học khác. Bởi vậy có nhiều giáo trình xuất bản đã 20, 30 năm vẫn còn áp dụng, vẫn được xem là kinh điển là chuyện bình thường.

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới