Sự vắng mặt của “Người kể chuyện xuyên thời gian” khiến đồng nghiệp và người hâm mộ tiếc nuối. Nhưng không khí đầm ấm, những câu chuyện về cây bút tài hoa này được chính người thân và bạn bè của anh kể lại khiến bao người có mặt không khỏi rưng rưng.
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, xúc động kể về anh trai. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Mở đầu buổi tọa đàm là những thước phim ghi lại cuộc đời, chặng đường sự nghiệp của nhà văn Lê Văn Thảo. Những mảnh đất anh đã đi qua, những con người ám ảnh anh đã gặp, sự chân thật, “sự chạm khắc tỉ mỉ, tinh vi những tính cách giống như những hình tượng đắp nổi trên những bức phù điêu bằng kim loại”. ..
Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, có mặt trong buổi tọa đàm với tư cách là một người em gái, người thân của ông. Những câu chuyện dung dị về anh trai được bà kể lại càng khiến đồng nghiệp và bạn đọc hiểu và khâm phục hơn nghĩa tình của nhà văn Lê Văn Thảo.
Cơn giông là tập tiểu thuyết của nhà văn Lê Văn Thảo viết về một giai đoạn trong cuộc đời của Bằng, người con đất Mũi bị mất cha mẹ trong bão giông, được một người nhận làm con nuôi…, lưu lạc lên Sài Gòn. Vào tù sau giải phóng vì tội kinh tế. Ra tù về quê cũ làm lại cuộc đời. Nhưng chính từ chốn quê cũ đời anh lại trải qua một cơn giông khác, tồi tệ hơn, nhiêu khê hơn và cũng thấm đẫm tình người hơn. Ra tù rồi lại vào tù, rồi lại cưu mang người khác, Bằng đã sống như một chang đước bám sâu vào đất, mang tươi xanh cho đời.
Đây cũng là tác phẩm được các đồng nghiệp của anh nhắc tới nhiều nhất trong buổi tọa đàm. Nhà văn Trầm Hương nói chị luôn bị ám ảnh bởi những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của nhà văn Lê Văn Thảo. Đặc biệt là người phụ nữ trong tác phẩm Cơn giông. Chị không ngần ngại thú nhận trước đó chị khá “ngán” vẻ lạnh lùng, khó gần của anh. Nhưng rồi khi tiếp xúc quen, khi đọc những cuốn sách anh tặng, chị mới khám phá ra ẩn sau vẻ lạnh lùng đó là một con người nghĩa hiệp, trọng tình cảm. “Những người đàn bà của anh quá bí hiểm, vô tình, bạo liệt cũng quá đỗi trong sáng, ngây thơ. Có quá nhiều người phụ nữ bất an luôn lo âu, thấp thỏm. Có lẽ anh là người luôn khao khát một người phụ nữ đích thực đời anh. Anh khao khát đi tìm nhưng quá cầu toàn. Và rồi anh thất vọng…”.
Những chi tiết nhỏ, những lát cắt nhẹ nhàng của cuộc sống khi đi vào trang viết của anh sống động đến lạ thường. Nhiều nhà văn nhận định đó chính là một trong những nét nổi bật làm nên thương hiệu “Lê Văn Thảo”. Như nhà văn trẻ Trần Nhã Thụy nói: Nhà văn Lê Văn Thảo “Người đã thiết kế những văn bản văn chương lớn lao từ những điều bé nhỏ”.
Những tác phẩm từng xuất bản của nhà văn Lê Văn Thảo có: Đêm Tháp Mười (1972), Ông cá hô (1995), Một ngày và một đời (1997), Con mèo (1999), Cơn giông (2002)... Ông đoạt nhiều giải thưởng văn học gồm: Giải A tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2006, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm Con đường xuyên rừng... Lê Văn Thảo từng giữ vai trò phó tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ TP.HCM, chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM (2000-2010), phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII (2005-2010). |
Dưới đây là một số hình ảnh về buổi tọa đàm:
Đông đảo đồng nghiệp và người hâm mộ anh có mặt. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhà thơ Phan Hoàng và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhà văn Trần Nhã Thụy. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nhà thơ Lê Quang Trang cùng những đồng nghiệp không khỏi xúc động khi kể chuyện về nhà văn Lê Văn Thảo. Ảnh: NGUYỄN TRÀ