Nhận chìm 3,8 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Quy Nhơn

(PLO)- UBND tỉnh Bình Định thống nhất vị trí nhận chìm 3,8 triệu m3 chất nạo vét từ luồng cảng Quy Nhơn là khu vực cách bờ sáu hải lý. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Ban Quản lý dự án hàng hải (Bộ GTVT) có ý kiến đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT.

Sơ đồ vị trí nạo vét dự thảo. (Nguồn: Bộ TN&MT).
Sơ đồ vị trí nạo vét dự thảo. (Nguồn: Bộ TN&MT).

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định nhận được văn bản của Ban Quản lý dự án hàng hải về lấy ý kiến tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT.

Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 DWT đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư hồi tháng 8-2021, phê duyệt điều chỉnh một số nội dung chủ trương đầu tư hồi tháng 3-2023.

Dự án do Ban Quản lý dự án hàng hải làm chủ đầu tư. Trong đó, chiều dài tuyến luồng khoảng 7.030 m, bề rộng luồng 140 m, cao độ đáy luồng -13 m (hải đồ), khối lượng nạo vét dự kiến khoảng 3,8 triệu m3.

Dự kiến vị trí nhận chìm vật chất nạo vét theo hồ sơ tham vấn đánh giá tác động môi trường dự án. (Nguồn: Bộ TN&MT).

Dự kiến vị trí nhận chìm vật chất nạo vét theo hồ sơ tham vấn đánh giá tác động môi trường dự án. (Nguồn: Bộ TN&MT).

Về vị trí đổ thải, UBND tỉnh Bình Định thống nhất việc Ban Quản lý dự án hàng hải thực hiện đổ thải vật chất nạo vét theo phương án nhận chìm tại khu vực nằm ngoài vùng biển sáu hải lý tính từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm.

Cũng theo UBND tỉnh Bình Định, về cơ bản báo cáo đánh giá tác động môi trường được lập theo đúng các quy định. Báo cáo đã liệt kê, mô tả, phân tích, đánh giá được những tác động chính đến môi trường phát sinh trong quá trình thực hiện dự án và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Bình Định cho rằng quá trình triển khai thi công nạo vét, vận chuyển vật chất nạo vét; hoạt động nhận chìm ở vùng biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác, nuôi trồng hải sản, du lịch biển, nhất là đến các hệ sinh thái trên vùng biển.

Do đó, UBND tỉnh Bình Định đề nghị rà soát, bổ sung đánh giá tác động của dự án đến các khu vực quy hoạch khu bảo tồn biển theo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh ban hành.

Về hoạt động nạo vét, UBND tỉnh Bình Định đề nghị khảo sát, xác định cụ thể các đối tượng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hoạt động nạo vét của dự án.

Trong đó lưu ý khu vực nuôi trồng hải sản thuộc làng chài Hải Minh tại khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn (cách luồng Quy Nhơn gần nhất khoảng 60 m về phía đông), bãi tắm Quy Nhơn (cách khu vực nạo vét khoảng 2 km).

Từ đó đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động và cam kết đền bù thiệt hại (nếu có) từ hoạt động dự án gây ra.

Bên cạnh đó, khu vực nạo vét tuyến luồng Quy Nhơn khá gần bờ, phía tây giáp với các cảng và kè Mũi Tấn. Do đó, việc nạo vét từ cao độ đáy luồng -11 m đến -13 m sẽ gây nguy cơ sạt lở bờ.

UBND tỉnh Bình Định đề nghị đánh giá cụ thể nguy cơ, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động phù hợp. Đồng thời, bổ sung phương án điều tiết giao thông đường thủy ra vào luồng Quy Nhơn trong quá trình thi công nạo vét để giảm thiểu nguy cơ tai nạn đường thủy, sự cố tràn dầu.

Đối với hoạt động nhận chìm vật chất nạo vét, UBND tỉnh Bình Định đề nghị bổ sung kết quả khảo sát hiện trạng hệ sinh vật đáy (rạn san hô, thảm cỏ biển...) tại khu vực nhận chìm với diện tích 100 ha và các khu vực xung quanh.

Từ đó, đánh giá tác động đến sinh vật đáy do hoạt động nhận chìm vật chất nạo vét và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động phù hợp.

Ngoài ra, khu vực dự kiến thực hiện hoạt động nhận chìm là vùng biển sâu, chịu tác động của sóng lừng nên vật chất nhận chìm có khả năng phát tán rộng cả trên bề mặt và đáy, nhất là trong các tháng 10-12 khi có gió mùa Đông Bắc và trong mùa bão ở khu vực Nam Trung Bộ.

Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị đánh giá kỹ khả năng phát tán vật chất ô nhiễm trong các thời điểm nêu trên và đề xuất giải pháp giảm thiểu phù hợp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm