Cuộc đua tổng thống Mỹ năm nay đang dần nóng lên, trong bối cảnh Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump lần lượt tung loạt át chủ bài nhằm thuyết phục cử tri bầu chọn cho mình. Các con át chủ bài trải rộng từ đối nội như chính sách nhập cư, kinh tế, quyền phá thai,... đến các chủ trương đối ngoại sắp tới.
Theo đó, đường lối đối ngoại là một trong những yếu tố cử tri rất quan tâm, đặc biệt chính sách của Washington đối với hai cuộc chiến Nga-Ukraine và Israel-Hamas, cũng như đối với các nước Trung Quốc, khu vực Trung Đông, và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ưu tiên đối ngoại của bà Harris
Theo hãng tin Reuters, Phó Tổng thống Harris được cho là sẽ chủ yếu tiếp tục chính sách đối ngoại của Tổng thống đương nhiệm Joe Biden về các vấn đề quan trọng như Ukraine, Trung Quốc và Iran nhưng có thể có giọng điệu cứng rắn hơn với Israel liên quan cuộc chiến ở Gaza nếu bà trở thành tổng thống.
Trong nửa sau nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, bà Harris đã nâng cao uy tín của mình trong các vấn đề từ Trung Quốc, Nga đến chiến sự Dải Gaza và trở thành một nhân vật được nhiều nhà lãnh đạo thế giới biết đến.
Tại Hội nghị An ninh Munich năm nay, bà Harris đã có bài phát biểu cứng rắn chỉ trích Nga vì đã phát động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine và cam kết Mỹ sẽ kiên quyết tôn trọng đối với Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quy định rằng cuộc tấn công vào bất kỳ thành viên nào của liên minh đều sẽ bị coi là nhằm vào toàn bộ liên minh và sẽ kích hoạt phòng vệ tập thể.
Theo Reuters, nếu bà Harris thắng cử năm nay, thì xung đột Israel-Palestine sẽ là một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự của bà, đặc biệt khi cuộc chiến ở Gaza vẫn tiếp diễn ác liệt (và nếu vẫn kéo dài tới tháng 1-2025). Giới phân tích cho rằng bà Harris khi là tổng thống Mỹ thì bà sẽ có lập trường cứng rắn với Israel so với ông Biden.
Về Trung Quốc, bà Harris từ lâu đã định vị lập trường nhất quán với quan điểm của lưỡng đảng Mỹ, nhấn mạnh sự cần thiết của việc Washington phải đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt là ở châu Á. Các nhà phân tích cho rằng bà Harris có thể sẽ duy trì lập trường của ông Biden là đối đầu với Bắc Kinh khi cần thiết, đồng thời tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác.
Châu Á cũng nằm trong ưu tiên chính sách đối ngoại của nữ phó tổng thống. Bà Harris đã thực hiện một số chuyến đi nhằm thúc đẩy quan hệ trong khu vực kinh tế năng động, bao gồm chuyến thăm tới Indonesia hồi tháng 9-2023 để đại diện ông Biden tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Phó Tổng thống Mỹ cũng công du Nhật và Hàn Quốc, những đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Bà ấy đã chứng minh cho khu vực thấy rằng bà ấy rất nhiệt tình thúc đẩy chính sách của ông Biden vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” - ông Murray Hiebert, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), cho biết.
Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Phó Tổng thống Harris có phần tiếp nối chính sách dưới thời Tổng thống Joe Biden, nhưng sẽ cứng rắn hơn đối với Israel liên quan cuộc chiến ở Gaza. Trong khi đó, chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Donald Trump lại là ẩn số khó dự đoán hơn nhiều, theo giới quan sát.
Ưu tiên đối ngoại của ông Trump
Cựu Tổng thống Trump đã nói rằng dưới thời ông, nước Mỹ sẽ phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về "mục đích và sứ mệnh của NATO". Ông Trump đã tuyên bố sẽ yêu cầu châu Âu hoàn trả cho Mỹ "gần 200 tỉ USD" tiền đạn dược mà Mỹ đã viện trợ cho Ukraine, và ông vẫn chưa đưa ra bất kỳ cam kết sẽ gửi thêm viện trợ nào cho Kiev nếu giành chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng chính sách của ông Trump đối với Ukraine cũng vô cùng khó đoán. Ông Trump nói rằng ông sẽ giải quyết chiến sự ở Ukraine một cách nhanh chóng nếu đắc cử, mặc dù tuyên bố các điều khoản mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu để đạt hoà bình là không thể chấp nhận được.
Không rõ ông sẽ dùng biện pháp nào để giúp Moscow và Kiev ngồi lại với nhau, song một số cố vấn của ông Trump cho biết đã trình kế hoạch lên cựu tổng thống, trong đó nêu rõ bất kỳ khoản viện trợ nào trong tương lai sẽ phụ thuộc vào thiện chí của Ukraine trong việc tham gia đàm phán hòa bình với Nga.
Ông Trump đã cắt giảm ngân sách quốc phòng cho NATO vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ đầu tiên (2016-2020), và ông thường xuyên phàn nàn rằng nước Mỹ đã đóng góp nhiều hơn cho hoạt động phòng thủ của liên minh và cho rằng điều đó là không công bằng. Ông Trump từng cho rằng cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các nước NATO nên phụ thuộc vào việc chi tiêu quân sự của họ có đủ cao hay không.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2024, ông Trump tiếp tục chỉ trích rằng một số thành viên NATO chưa đạt được mức chi ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng. Đến tháng 2 năm nay, ông Trump từng nói rằng nếu trở thành tổng thống một lần nữa, ông sẽ khuyến khích Nga làm “bất cứ điều gì họ muốn” đối với các thành viên NATO không đáp ứng yêu cầu nói trên. Giới chuyên gia cho rằng phát ngôn của ông Trump đã gây ra nỗi lo cho châu Âu một khi viễn cảnh cựu tổng thống đắc cử thành hiện thực.
Về xung đột Israel-Hamas, giới quan sát cho rằng nhiều khả năng ông sẽ ủng hộ Israel một cách mạnh mẽ. Cựu lãnh đạo Mỹ từng tuyên bố rằng lực lượng Hamas phải bị "đè bẹp", đồng thời cho biết ông sẽ tìm cách trục xuất tất cả thường trú nhân Mỹ có cảm tình với Hamas.
Theo trang Council on Foreign Relations, ông Trump nói các chính sách của ông sẽ “loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực quan trọng”, bao gồm điện tử, thép và dược phẩm.
Giới chuyên gia nhận định rằng một lần nữa chính sách của ông Trump đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một ẩn số khó đoán. Một trong những tuyên bố đáng chú ý của cựu tổng thống đến nay là sẽ rút khỏi Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) mà ông Biden công bố và yêu cầu Đài Loan đóng phí nếu muốn Mỹ bảo vệ, theo tạp chí Foreign Policy.
Nhóm bà Harris gây quỹ được 200 triệu USD trong một tuần
Nhóm tranh cử của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết đã huy động được 200 triệu USD trong một tuần kể từ khi bà Harris tuyên bố ra tranh cử tổng thống. Con số này nhiều hơn số tiền mà ông Biden đạt được trong ba tháng đầu năm, theo tờ The New York Times.
Theo nhóm tranh cử của phó tổng thống, khoảng 2/3 số tiền đó đến từ các nhà tài trợ mới. Nhóm này cũng cho biết họ đã tuyển được hơn 170.000 tình nguyện viên mới.
"Trong tuần qua (chiến dịch) @KamalaHarris đã huy động được 200 triệu USD. 66% trong số này là từ các nhà tài trợ mới. Chúng tôi cũng đã tuyển được 170.000 tình nguyện viên mới" - ông Rob Flaherty, Phó Giám đốc chiến dịch vận động tranh cử của bà Harris, đăng trên mạng xã hội X.