Dịp cuối năm, tình hình tội phạm trở nên phức tạp, trong đó tội phạm trên không gian mạng cũng không phải là ngoại lệ. Lợi dụng nhu cầu của nhiều người, các đối tượng mời chào, đưa ra những lời quảng cáo, hứa hẹn việc nhẹ lương cao để thực hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.
Ba nhóm lừa đảo chính
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), trong năm 2022 có ba nhóm lừa đảo chính với nhiều hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Thứ nhất là giả mạo thương hiệu. Các đối tượng sẽ lợi dụng uy tín thương hiệu của các tổ chức như ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán… để giả mạo, gửi tin nhắn để lừa đảo các nạn nhân. Hoặc các đối tượng cũng giả mạo các trang web chính thống (giao diện, địa chỉ tên miền/đường dẫn…) tạo uy tín nhằm lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân.
Các đối tượng lừa đảo dùng chiêu trò để câu dẫn nạn nhân nhằm hack tài khoản facebook. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Nhóm thứ hai là chiếm đoạt tài khoản. Các đối tượng chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok… Từ đó tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè, người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền.
Các nạn nhân cũng có thể dính vào bẫy nợ khi cài đặt các ứng dụng hoặc làm theo quảng cáo “tín dụng đen” xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh email rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội.
Nhóm thứ ba là kết hợp các hình thức lừa đảo. Đây có thể nói là nhóm có nhiều hình thức lừa đảo nhất khi trong nhóm này, các đối tượng kết hợp nhiều hình thức để tấn công, chiếm đoạt tiền của người dùng. Cụ thể, có thể kể đến như sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản.
Các đối tượng còn giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên. Để dẫn dụ nạn nhân, đối tượng xấu thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua quảng bá bán hàng online trên Facebook.
Hoặc các đối tượng thông báo trúng thưởng, quà tặng, khuyến mãi để lừa nạn nhân, đánh cắp thông tin tài khoản và tài sản thông qua các trang web giả mạo. Một hình thức khác nữa là dùng thủ đoạn nâng cấp lên SIM 4G hay 5G để lừa lấy số điện thoại của nạn nhân nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản và tài sản. Giả mạo email của ngân hàng, ví điện tử, tổ chức uy tín để uy hiếp, đe dọa lừa tiền nạn nhân…
Làm sao để không bị lừa?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quang Thủ (một kỹ sư quản trị mạng) cho biết các đối tượng thực hiện lừa đảo qua mạng chủ yếu lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ thông tin của người dân và đánh vào tâm lý việc nhẹ lương cao, lòng tham của nhiều người.
Từ trước đến nay, các cơ quan chức năng đã phát đi rất nhiều cảnh báo để mọi người phòng tránh, một số lưu ý để mỗi người tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Cụ thể như: Người dân chủ động cập nhật thông tin về các hình thức lừa đảo trên mạng, cẩn thận khi click vào các đường link chuyển hướng. Bởi vì khi vào các đường link này, các đối tượng sẽ dẫn người dùng đến một trang web giả mạo, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài chính của người dân.
Một lưu ý nữa là người dùng tuyệt đối không cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như số điện thoại, email cá nhân, số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số hộ chiếu, CCCD... khi tham gia các trang mạng xã hội.
Ngoài ra, người dân cũng cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội. Đặc biệt là không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân liên quan, không nhận chuyển khoản hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết.
Mỗi người cần tiết chế lòng tham của bản thân, cảnh giác cao trước những món quà từ trên trời rơi xuống hoặc những giao kèo được hưởng lợi đến mức khó tin.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng đối với những vụ lừa đảo qua mạng, các nạn nhân thường rất khó lấy lại được tiền. Lý do là các đối tượng hầu hết sử dụng chế độ ẩn danh để đi lừa đảo nên khi trình báo ra cơ quan chức năng cũng rất khó khăn để truy vết.
Hơn 12.900 trường hợp lừa đảo trực tuyến năm 2022
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, năm 2022 đã ghi nhận hơn 12.900 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình lừa đảo chính là lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).
Cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật, trong đó có hơn 1.460 trang web lừa đảo trực tuyến; bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.