Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga ngày 16-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được một số bước tiến nhất định khi vạch ra những bước đi về kiểm soát vũ khí và ngoại giao.
Song, những gì hai bên gặt hái được vẫn còn hạn chế khi những khác biệt sâu sắc về nhân quyền và tấn công mạng giữa họ vẫn chưa được giải quyết.
Theo hãng tin AP, hai nhà lãnh đạo dù đã thống nhất một số điểm quan trọng nhưng vẫn chưa đủ để cải thiện quan hệ song phương.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP
"Tôi không tự tin rằng ông ấy (Putin) sẽ thay đổi hành vi của mình" - ông Biden nói trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, khi các phóng viên hỏi về khả năng ông Putin sẽ điều chỉnh cách thức và hành động của mình.
Cả Nhà Trắng và Điện Kremlin đều không đặt nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh. Các cuộc họp báo của ông Biden và ông Putin sau cuộc họp đã cho thấy việc giải quyết căng thẳng giữa Mỹ và Nga vẫn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Tấn công mạng
Trong cuộc gặp, ông Biden thúc đẩy người đồng cấp Putin kiềm chế sự gia tăng tình trạng tấn công an ninh mạng nhằm vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ Mỹ và trên toàn cầu. Tuy nhiên, có thể thấy sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, hai bên đạt được rất ít kết quả về mảng này.
Tổng thống Mỹ cho biết ông đã nói rõ với ông Putin rằng nếu Nga vượt qua một số ranh giới đỏ nhất định, bao gồm cả việc theo đuổi tấn công mạng các cơ sở hạ tầng lớn của Mỹ, thì chính quyền của ông sẽ đáp trả và "hậu quả sẽ rất tàn khốc".
Đáp lại, ông Putin tiếp tục khẳng định Nga không liên quan các cuộc xâm nhập mạng, dù các bằng chứng tình báo của Mỹ cho thấy kết quả ngược lại.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp ngày 16-6. Ảnh: ĐIỆN KREMLIN
"Hầu hết các cuộc tấn công mạng trên thế giới đều được thực hiện từ Mỹ" - ông Putin nói. Ông bổ sung Canada, hai nước Mỹ Latinh mà ông không nêu tên và Anh vào danh sách các quốc gia mà ông cho là đã thực hiện các cuộc tấn công mạng.
Tuy nhiên, bằng chứng từ phía Mỹ cho thấy các cuộc tấn công mạng gây thiệt hại nhiều nhất đến từ các tin tặc Nga do nhà nước hậu thuẫn.
Ngoài ra, Mỹ cũng điều tra được một nhóm đối tượng khác tham gia tấn công mạng là những tội phạm nói tiếng Nga. Nhóm này chuyên dùng mã độc để hạn chế hoạt động của các thiết bị bị tấn công nhưng không bị xử lý ở Nga và các quốc gia đồng minh.
Mỹ và Liên minh châu Âu đã xác định cơ quan tình báo quân sự GRU của Nga đã tấn công các công ty lớn bao gồm cả công ty vận tải khổng lồ Maersk, gây ra thiệt hại hơn 10 tỉ USD vào năm 2017.
Kết thúc vấn đề, ông Putin đồng ý rằng Nga sẽ bắt đầu tham vấn với Mỹ về vấn đề này và thừa nhận rằng phần mềm tống tiền và tấn công mạng là những vấn đề lớn. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng hai nước "cần bỏ việc nói bóng gió" về nhau.
Vấn đề nhân quyền
Ngoài ra, vấn đề về nhân quyền cũng là một bước cản trở hai bên đạt được những đột phá trong cuộc họp.
Cụ thể, ông Biden đã nêu các vấn đề nhân quyền với Putin, bao gồm cả số phận nhân vật đối lập Alexei Navalny.
Đáp lại, ông Putin kiên quyết giữ bản án tù đối với ông Navalny và bác bỏ những câu hỏi về việc ngược đãi các nhà lãnh đạo đối lập Nga bằng cách nêu bật tình hình bất ổn trong nước của Mỹ, bao gồm các cuộc biểu tình Black Lives Matter và cuộc bạo động ở Điện Capitol.