Nhân tố Biden trong căng thẳng Nga - NATO

Quan hệ Nga - NATO (khối an ninh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) xuống thấp từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Nga tăng cường xây dựng quân đội và tập trận ở các khu vực Baltic và Biển Đen. Trong khi đó, các nước NATO tiếp tục chính sách trừng phạt, củng cố thế phòng thủ phía đông và hạn chế quan hệ ngoại giao với Nga.

Máy bay chiến đấu F-22 Raptor của Mỹ (dưới) chặn máy bay ném bom Tu-95 của Nga (trên) bên ngoài bờ biển Alaska ngày 16-6-2020. Ảnh: BỘ CHỈ HUY PHÒNG THỦ KHÔNG GIAN BẮC MỸ

Nga, NATO dè chừng nhau

Động thái mới nhất, trao đổi với báo Rossiyskaya Gazeta ngày 28-12, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin cảnh báo hậu quả nguy hiểm vì các hoạt động quân sự ngày càng tăng của phương Tây gần biên giới Nga. Ông Fomin chỉ trích rằng các hoạt động gia tăng của lực lượng không quân và hải quân NATO trong năm 2020 “là sự khiêu khích công khai” với Nga và “có thể dẫn tới những sự cố nghiêm trọng”.

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lưu ý tới các hoạt động quân sự liên tục của NATO gần lãnh thổ Nga. Nhiều tháng nay, tình báo Nga liên tục phát hiện máy bay và tàu chiến NATO có nhiều hoạt động gần biên giới nước này.

 

90%

là tỉ lệ mà vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga cộng lại so với toàn bộ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.

Trước khi ông Putin lên tiếng, Bộ Ngoại giao Nga cũng cảnh báo rằng “khối liên minh này đang mở rộng phạm vi hoạt động ở khu vực Biển Đen, thu hút sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực”. Cụ thể, theo Bộ Ngoại giao Nga, “số lượng tàu NATO cập cảng ở Biển Đen, số chuyến bay trinh sát và máy bay không người lái dọc biên giới Nga đang gia tăng”.

Phát biểu tại Bộ Quốc phòng Nga ngày 21-12, ông Putin lưu ý rằng nước này sẵn sàng đáp trả khẩn cấp nếu NATO đưa tên lửa đến gần biên giới. Tổng thống Nga cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục phân tích tình hình địa chiến lược và chính trị trên thế giới để dự báo những kịch bản có thể xảy ra, tính đến những mối đe dọa tiềm tàng, mở rộng năng lực của lục quân và hải quân Nga. Tổng thống Nga khẳng định Nga sẽ không bao giờ để bị tụt hậu về vũ trang, đồng thời sẽ ưu tiên phát triển và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng hạt nhân để đảm bảo an ninh và duy trì sự cân bằng chiến lược trên vũ đài quốc tế.

Ở phía ngược lại, NATO cũng thường xuyên cảnh báo và dè chừng các động thái của Nga. Trong một cuộc họp báo đầu tháng 12, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên tăng cường hiện diện cũng như tăng cường tuần tra hải quân trong khu vực. Lý do ông Stoltenberg đưa ra cho lời kêu gọi này là nhằm đáp trả việc Nga thường xuyên có các hoạt động quân sự mang tính dọa dẫm tại các vùng lân cận NATO.

Bên cạnh các động thái quân sự, các diễn biến thời gian qua càng làm tình hình thêm cấp thiết hơn. Có thể nói quan hệ NATO - Nga càng xấu hơn trong thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, đặc biệt khi Mỹ rút khỏi hàng loạt thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.

Năm 2019, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng vũ khí hạt nhân tầm trung (INF). Năm 2020, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiện Nga và Mỹ chỉ còn ràng buộc bằng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược (New Start), tuy nhiên hiệp ước này sẽ hết hạn vào ngày 5-2-2021. Nếu Mỹ và Nga không gia hạn New Start thì xem như lần đầu tiên sau thập niên 1970 giữa hai bên không còn ràng buộc pháp lý bằng bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ khí nào vốn đặt ra các giới hạn cho kho vũ khí hạt nhân hai nước.

Ẩn số Biden

Trong bài viết trên trang tin The Conversation, hai chuyên gia khoa học chính trị Amelie Theussen và Domonika Kunertova cho rằng xử lý quan hệ với Nga sẽ là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Joe Biden một khi ông vào Nhà Trắng.

Ngày 8-12, một nhóm các nhà cựu ngoại giao, tướng lĩnh, nhà nghiên cứu, nhân vật chính trị Mỹ, châu Âu, Nga thuộc tổ chức Mạng lưới lãnh đạo châu Âu (ELN) cùng viết thư kêu gọi Nga và NATO khôi phục đối thoại về việc hạn chế các hoạt động quân sự ở châu Âu.

 

Từ ngày ông Biden nhậm chức tổng thống đến ngày cuối New Start có hiệu lực chỉ 16 ngày. Nếu New Start không còn, Mỹ và Nga được tự do triển khai đầu đạn hạt nhân chiến lược và tên lửa chiến lược, tàu ngầm và máy bay ném bom chở các loại vũ khí này.

Khả năng Mỹ gia nhập lại sau khi ông Biden nhậm chức rất cao, khi ông đã nói ủng hộ hiệp ước này. Từ tháng 11 ông Biden đã đề nghị gia hạn New Start thêm năm năm nữa không cần điều kiện gì. Trong cuộc họp báo cuối năm thường niên ngày 17-12, ông Putin cũng kêu gọi Mỹ gia hạn New Start thêm một năm.

Các chuyên gia ELN đã đề xuất một loạt biện pháp “có thể giúp tạo không khí tốt hơn để việc đạt được giải pháp cho các vấn đề chính trị khó khăn trở nên dễ đạt được hơn”. Tuy nhiên, để thực hiện các biện pháp này, cả Mỹ và Nga đều phải cùng làm mới thiện chí chính trị tiến tới khôi phục các thỏa thuận kiểm soát vũ khí. NATO có thể bắt đầu bằng việc giải quyết nỗi lo dài hạn của Nga từ khi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo kết thúc năm 2002. Mỹ có thể trấn an Nga bằng cách cho phép nước này thanh tra các địa điểm phòng thủ tên lửa của NATO ở Romania và Ba Lan, theo các chuyên gia.

Năm 2021 tới hai bên nên tiến hành bàn chuyện cập nhật Tài liệu Vienna - một thỏa thuận chính trị có tính ràng buộc quy định chuyện trao đổi và thẩm tra thông tin về các lực lượng vũ trang và các hoạt động quân sự hai bên. Đây cũng là một bước đi rất quan trọng trong khôi phục niềm tin, tăng sự tin tưởng lẫn nhau. Một điều nữa, các luận điệu đối đầu của Tổng thống Trump cần nhường chỗ cho các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm giảm rủi ro leo thang, hiểu nhầm.

Đây là những bước đi chủ chốt nếu hai bên có cơ hội theo đuổi ngoại giao. Việc ông Biden lên làm tổng thống Mỹ có thể sẽ đảo ngược một số xu hướng gây quan ngại trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.

Các chuyên gia ELN cho rằng dưới thời ông Biden Mỹ sẽ thực hiện chính sách cứng rắn với Nga nhưng vẫn duy trì đối thoại, trong khi tăng cường gắn kết và hợp tác với các thành viên châu Âu của NATO. Nhiều nhà quan sát hy vọng một chính sách gắn kết của Mỹ sẽ tăng cơ hội khôi phục đối thoại giữa NATO và Nga, tăng khả năng hợp tác hai bên về nhiều vấn đề quan trọng như chống khủng bố, biến đổi khí hậu, đại dịch và cả chương trình hạt nhân Iran.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm