Ông Putin: Nga phải đáp trả khẩn cấp tên lửa NATO ở biên giới

Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga phản ứng kịp thời việc các nước phương Tây triển khai tên lửa gần biên giới Nga nếu thấy cần thiết.

Trong khi đó, Hải quân Mỹ công bố tài liệu chiến lược cảnh giác cao độ với Nga và Trung Quốc. 

Ông Putin: Phải đáp trả nhanh chóng nếu phương Tây đưa vũ khí sát Nga

Theo hãng tin Sputnik, phát biểu tại diễn đàn cuối năm của Bộ Quốc phòng Nga hôm 21-12, Tổng thống Putin lưu ý tới các hoạt động quân sự không ngừng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Đặc biệt, ông Putin than phiền việc Mỹ từ bỏ một số hiệp ước quốc tế, do đó làm suy yếu hệ thống kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: DW

“Chúng tôi sẽ không sản xuất và triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn tại khu vực châu Âu của Nga hoặc tại bất kỳ khu vực nào khác của đất nước. Tuy nhiên chúng tôi phải sẵn sàng phản ứng nhanh chóng nếu phương Tây đưa vũ khí loại này gần biên giới chúng tôi”- ông Putin nói.

Ông Putin khẳng định Nga tiếp tục phân tích tình hình địa chiến lược và chính trị trên thế giới, cũng như dự báo những kịch bản có thể xảy ra, tính đến những mỗi đe dọa tiềm tàng và mở rộng khả năng quân sự của lục quân và hải quân Nga.

Ông Putin nói thêm Nga sẽ nhanh chóng tiếp tục phát triển quân sự và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng hạt nhân đất nước nhằm đảm bảo an ninh và duy trì sự cân bằng chiến lược trên vũ đài quốc tế.

Đề cập vấn đề tái vũ trang, ông Putin nhấn mạnh Nga sẽ không bao giờ để bị tụt hậu so với các quốc gia khác vốn chi mạnh tay để mua vũ khí.

Máy bay và tàu chiến NATO nhiều lần được tình báo Nga phát hiện gần biên giới nước này trong vài tháng qua. Nga nhiều lần cảnh báo những hành động như vậy có nguy cơ dẫn tới leo thang căng thẳng.

Căng thẳng gia tăng cũng theo sau việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington rút khỏi chương trình và sẽ không tái gia nhập cho tới khi Nga tuân thủ hiệp ước. Mỹ hoàn tất quá trình rút khỏi thỏa thuận hồi cuối tháng 11.

Hải quân Mỹ: Nga, Trung là mối đe dọa đáng kể nhất cho hòa bình toàn cầu

Hôm 17-12 Hải quân Mỹ công bố tài liệu chiến lược mới, trong đó lên án “sự gây hấn ngày càng tăng” của Nga và Trung Quốc và xem hai quốc gia này là “mối đe dọa đáng kể nhất cho hòa bình và và thịnh vượng toàn cầu trong kỷ nguyên này”, theo đài RT.

Tài liệu ra cảnh báo nghiêm khắc về khả năng công nghệ ngày càng phát triển của Nga, trong đó có hạt nhân và hệ thống tên lửa tiên tiến cùng hệ thống phòng không hiện đại.

Các tàu chiến NATO tham gia tập trận quân sự ở Biển Đen, cách TP Constanta của Romania 60 km. Ảnh: DANIEL MIHAILESCU/AFP

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga gióng hồi chuông cảnh báo về việc các tàu chiến NATO tăng cường hoạt động tại bờ biển phía nam của Nga.

“Khối liên minh này đang mở rộng phạm vi hoạt động ở khu vực Biển Đen, thu hút sự tham gia của các quốc gia ngoài khu vực. Số lượng tàu NATO cập cảng ở Biển Đen, số chuyến bay trinh sát và máy bay không người lái dọc biên giới Nga đang gia tăng” – bà Maria Zakharova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga kết luận.

Tại một cuộc họp báo đầu tháng 12, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các thành viên của liên minh quân sự này tăng cường hiện diện trong khu vực, nói về sự cần thiết của việc tăng cường các cuộc tuần tra hải quân.

Ông Stoltenberg cho rằng làm như vậy nhằm đáp trả việc Moscow thường xuyên tiến hành các hoạt động quân sự mang tính dọa dẫm tại các vùng lân cận NATO.

Dù vậy, Hải quân Mỹ nói rằng Trung Quốc, chứ không phải Nga mới là nguyên nhân gây lo ngại lớn nhất, theo báo Newsweek.

“Chúng tôi ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc do tiềm lực quân sự và kinh tế, tính hiếu chiến của nước này ngày càng tăng, nước này cũng toan tính thống trị các vùng biển trong khu vực và tái thiết lập trật tự thế giới theo hướng có lợi cho mình" – tài liệu có đoạn.

“Cho tới khi Trung Quốc chọn hành động như một bên tham gia có trách nhiệm thay vì phô trương quyền lực để thúc đẩy các lợi ích của mình, nước này vẫn là mối đe dọa toàn diện nhất với Mỹ, với đồng minh của chúng tôi và tất cả quốc gia ủng hộ hệ thống tự do và cởi mở” – tài liệu viết tiếp.

Trung Quốc tăng đáng kể chi tiêu quân sự dù chi tiêu hàng năm của nước này khoảng 261 tỉ USD. Con số này vẫn ít hơn nhiều so với 686 tỉ USD của Mỹ cùng kỳ.

Dù vậy, sự mở rộng quân sự nhanh chóng cũng như các hành động hung hăng của Bắc Kinh đối với các tranh chấp lãnh thổ như tại Biển Đông, Đài Loan và dãy Himalaya không khỏi khiến giới chức quân đội và nhà lập pháp Mỹ cảnh giác.

Lực lượng hải quân mới của Trung Quốc, còn được nhắc tới với cái tên “Hải quân Biển xanh” (Blue Water Navy), có khả năng hoạt động ở các vùng đại dương xa đất liền và cảng nhà. Lực lượng này là trung tâm chiến lược của Trung Quốc với mục tiêu cuối cùng là thống trị khu vực và thách thức vị thế của Mỹ tại châu Á.

Cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc từ lâu được giới chuyên gia chính sách đối ngoại và các nhà lập pháp thừa nhận. Tuy nhiên, điều này bắt đầu được thể hiện rõ ràng và công khai hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump và trong đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm