Ngày 21-6, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ ngành giao thông vận tải giai đoạn 2011 – 2015.
Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho rằng, công tác khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ những tồn tại, yếu kém. Cụ thể, tỉ lệ các kết quả nghiên cứu có chất lượng đưa vào áp dụng thực tế chưa cao. Các doanh nghiệp trong ngành chưa thấy hết những thách thức hoạt động trong cơ chế thị trường, chưa mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, sắp xếp lại sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, để nâng cao chất lượng hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thiếu trang thiết bị cho các nghiên cứu thực nghiệm công nghệ, vật liệu, kết cấu mới…
Theo ông Hà, trong thời gian tới cần tập trung ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác quan trắc, kiểm soát, đánh giá kiểm định chất lượng, duy tu, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng địa phương…
Ông Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết công tác khoa học kỹ thuật Bộ GTVT rất đa dạng, phong phú, nhưng chưa đồng đều ở các lĩnh vực. Đặc biệt, hiện nay chúng ta quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài: “Bên cạnh đó, nhiều hệ thống phương tiện không phải là khó khăn quá, nhưng chúng ta cũng không tiếp cận làm chủ được, như các đoàn tàu đường sắt đô thị…”- ông Khuê nói.
Nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam không nên quá lệ thuộc vào các thiết bị nước ngoài mà phải nghiên cứu các thiết bị phù hợp với mình. Ảnh: VIẾT LONG
Thừa nhận những hạn chế, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa, cho biết: “Thời gian qua ngành GTVT đều cố gắng áp dụng khoa học công nghệ của các nước hiện nay người ta đang dùng vào Việt Nam, thậm chí có nhiều cái lâu rồi…”- ông Nghĩa nhìn nhận.
Ông Trương Quang Nghĩa kể: “Có câu chuyện chúng ta nhập thiết bị về không tìm hiểu và không có khả năng sử dụng. Sau đó chúng ta nghiên cứu cho đơn giản bằng cách tháo bớt các thiết bị, thế là dùng được lần thứ nhất, được khen là cải tiến máy của nước ngoài.
Tuy nhiên, sử dụng xong một thời gian thì thấy rằng cần phải nâng cao năng suất để làm tốt hơn. Nên chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khi nghiên cứu thì bắt đầu lắp lại hết những thiết bị trước đó đã tháo và chiếc máy trở lại như ban đầu, nhưng vẫn gọi là cải tiến. Tôi kể câu chuyện này để chúng ta thấy những cái gì thế giới họ đã làm thì chúng ta phải tìm hiểu một cách cặn kẽ để áp dụng…”- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trương Quang Nghĩa yêu cầu sắp tới cần phải có bộ tiêu chuẩn khoa học công nghệ phù hợp với Việt Nam: “Tôi nhớ mãi có lần tôi đưa ra một công nghệ mới đối với Việt Nam, nhưng Bộ xây dựng không dám tự tin áp dụng công nghệ Châu Âu vào Việt Nam, cứ lò mò tự mình đi làm, vì vậy nó cản trở sự phát triển của đất nước rất nhiều. Nên chúng ta cũng không nên bảo thủ mà phải mạnh dạn…”- ông Nghĩa nói.