Ngày 19-10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã có Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III-2015.
VEPR cho biết cán cân xuất nhập khẩu tương đối cân bằng trong quý III-2015 với mức thâm hụt nhẹ 700 triệu USD, giảm dần so với mức thâm hụt 2,7 tỉ và 1,2 tỉ USD của quý I và II. Tuy nhiên đây cũng là quý thứ tư liên tiếp có thâm hụt thương mại.
Theo đánh giá của VEPR, sự thay đổi trong cấu trúc cán cân thương mại này một phần do tỉ giá cao đã không hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tiêu dùng. Cán cân thương mại có thể sẽ xấu đi vào quý IV do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cho tết Nguyên đán.
Trung Quốc vẫn là đối tác nhập khẩu lớn nhất với 32,4% tổng kim ngạch. Nhập siêu từ Trung Quốc chín tháng qua là 24,3 tỉ USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, theo VEPR, diễn biến này không đáng ngại, mà phản ánh nhiều hơn về việc hoạt động sản xuất đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn.
Với vị trí ngọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ (Mỹ, EU, Nhật Bản…). "Với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt các hiệp định thương mại - FTA và chi phí lao động của Trung Quốc tăng cao, mô hình sản xuất trên sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ đi kèm với đó là sự mở rộng quy mô nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc" - báo cáo của VEPR nhận định.