Thủ tướng Shinzo Abe sắp có cuộc gặp với lãnh đạo các nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan – hiện đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong nhóm thu nhập thấp – tại hội nghị cao cấp hàng năm giữa Nhật Bản và các nước sông Mekong lần thứ Bảy tại Tokyo vào hôm nay, 4-7.
Tổng Thư ký Nội các Nhật Yoshihide Suga trong tuần này cho biết, hội nghị sáng nay, cùng với nhiều cuộc gặp song phương tiếp theo, sẽ tập trung vào chủ đề phát triển “đối tác hạ tầng chất lượng cao” và áp dụng “các chiến lược mới trong hợp tác Mekong – Nhật Bản.”
Hội nghị cao cấp các nước lưu vực sông Mekong – Nhật Bản lần thứ 6 vào năm 2014 tại Nay Pyi Taw, Myanmar
Ông Abe đã tăng gấp đôi đầu tư và các đường cao tốc, hệ thống tàu lửa và nhà máy điện trên khắp thế giới, một hướng đầu tư trọng điểm trong cam kết thúc đẩy nền kinh tế và củng cố vị thế của Nhật Bản.
Hay như Giáo sư Yoshinobu Yamamoto tại Đại học Niigata nhận định: “Nhật Bản từ lâu luôn gìn giữ quan hệ ấm nồng với các nước sông Mekong cũng như những nước này luôn là điểm đến đầu tư quan trọng của chúng tôi.”
Cuộc họp sáng nay diễn ra vào thời điểm sau khi báo Nikkei của Nhật cho biết ba công ty Nhật Bản đã giành được một hợp đồng nối hệ thống đường ray tại Bangkok với các khu ngoại ô lân cận trị giá 947 triệu USD.
Theo đó, công ty Sumitomo sẽ quản lý dự án trong khi công ty Hitachi sẽ cung cấp 130 toa xe lửa , và công ty Mitsubishi sẽ cung cấp hệ thống đèn tín hiệu và cơ sở trung chuyển.
Chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch cho vay các khoản nợ để chi trả cho phần lớn dự án, một động thái thường gặp nhằm giúp các khách hàng xoay xở trong các dự án lớn.
Xây dựng ảnh hưởng ở "sân nhà chung"
Sức mạnh tài chính ngày càng lớn của Bắc Kinh, cùng với sự xông xáo tham gia vào các công việc quốc tế của nước này, đã khiến Tokyo phải nhanh chóng tăng cường các hợp tác đối ngoại ở khu vực để không đánh mất “sân nhà chung”.
Theo lời Giáo sư Yamamoto, “hội nghị này cũng không nằm ngoài chính sách thắt chặt các quan hệ quan trọng của Tokyo trong thời điểm Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng lên khu vực soogn Mekong.”
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là một phần trong chiến lược thúc đẩy hợp tác khu vực của Nhật Bản.
Trong một hội nghị vào tháng 11 ở Myanmar, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN sau khi chứng kiến “thập kỷ vàng” phát triển, hiện đang bước vào “một thập kỷ kim cương dẫn đến các hợp tác sâu rộng hơn.”
Tiếp đó vào tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc hy vọng có thể đẩy mạnh thương mại hai chiều với mười nước ASEAN lên 500 tỷ USD trong năm nay và lên 1000 tỷ USD vào năm 2020.
Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB) có trụ sở tại Bắc Kinh cũng vừa được khởi động, chính thức là đối thủ của Ngân hàng Phát triển Châu Á do Nhật Bản hỗ trợ và đưa ra nhiều ưu đãi tài chính hấp dẫn cho các nước đang phát triển.
Nhằm phản kháng lại động thái mới của Trung Quốc, hồi tháng Năm ông Abe đã thông báo một chương trình đầu tư các dự án hạ tầng tại châu Á trị giá 100 tỷ USD, trong đó có nhóm nước thuộc lưu vực sông Mekong.
Nhật Bản đang cố gắng xây dựng hình ảnh một người khổng lồ nhân từ trong khu vực và không ngừng đánh bóng tiếng tăm quốc gia để chiếm ưu thế trong xung đột lãnh thổ và các xung đột khác với Trung Quốc.