Nhật đưa kiến thức về phóng xạ vào sách giáo khoa

Kể từ các vụ nổ ở Nhà máy Fukushima Daiichi, Chính phủ Nhật và Công ty Điện lực Nhật liên tục công bố các số liệu phóng xạ bằng những từ ngữ xa lạ như “iodine phóng xạ”, “becquerel”, “sievert”... Rất nhiều người dân Nhật bối rối và chẳng hiểu gì về những thông tin này. Khi có tin nước ở Tokyo và một số vùng xung quanh bị nhiễm xạ dù ở mức độ thấp, nhiều người đổ xô đi mua nước đóng chai hay muối iôt trong khi không biết cách bảo vệ mình hiệu quả nhất.


Tệ hơn, nhiều người di tản từ tỉnh Fukushima đã rơi vào cảnh bị phân biệt đối xử vì nhiều người sợ họ lây truyền phóng xạ. Nhiều học sinh chuyển từ Fukushima đến trường ở các tỉnh khác bị bạn bè xa lánh, nhiều em không muốn đến trường. Một số trạm xăng ở Tokyo từ chối bán hàng cho những người lái xe mang biển số của tỉnh Fukushima. Nguyên nhân là bởi đại đa số người dân Nhật chẳng biết gì về phóng xạ, không biết nó tác động đến cơ thể như thế nào và trở nên hoang mang.

Trở lại sau 30 năm

Theo đề nghị của chính quyền các địa phương và các trường học, Bộ Giáo dục Nhật đã quyết định đưa các bài giảng về nguyên tử và phóng xạ trở lại giáo trình tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông, bắt đầu từ năm học 2012. Mục tiêu để học sinh và phụ huynh có kiến thức tổng quát về phóng xạ. Thực tế trong thập niên 1960-1970 sách giáo khoa bậc trung học Nhật có các bài giảng về bản chất của phóng xạ, bởi Nhật là quốc gia duy nhất trên thế giới từng là nạn nhân của bom nguyên tử.

"Các giáo viên cũng sẽ khuyến khích học sinh tự suy nghĩ và có quan điểm riêng về vai trò của năng lượng hạt nhân đối với xã hội" - Bộ Giáo dục Nhật

Tuy nhiên đến đầu thập niên 1980, Chính phủ Nhật quyết định giảm tải chương trình sách giáo khoa để học sinh có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. “Việc phần lớn người Nhật không biết gì về phóng xạ cũng là điều dễ hiểu - cựu bộ trưởng giáo dục Akito Arima cho biết - Trong quá khứ học sinh Nhật không hề được dạy về những tác động khủng khiếp của phóng xạ cũng như các công dụng hữu ích của nó. Giảng dạy về phóng xạ là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt khi Nhật là nước từng bị vũ khí nguyên tử tấn công”.

Các chuyên gia giáo dục Nhật nhận định đây là một bước đi cần thiết để giúp người dân hiểu được rằng phóng xạ không lây nhiễm từ người sang người, do đó sẽ không còn có thái độ phân biệt đối xử với các cộng đồng đến từ tỉnh Fukushima. Có kiến thức về phóng xạ sẽ giúp người dân Nhật phản ứng một cách bình tĩnh và hợp lý trước những nguy cơ phóng xạ khác, và sẽ không còn bối rối trước những từ như “becquerel” (đo lượng phóng xạ một chất đồng vị phóng xạ xả ra) hay “sievert” (đơn vị tính tác động của phóng xạ đối với cơ thể người).

Bộ Giáo dục Nhật cũng cho biết muốn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ phải làm thế nào khi một thảm họa hạt nhân xảy ra và cách bảo vệ chính mình trước nguy cơ phóng xạ. Các giáo viên cũng sẽ khuyến khích học sinh tự mình suy nghĩ và có quan điểm riêng về vai trò của năng lượng hạt nhân đối với xã hội, sự cần thiết của các quy định an toàn hạt nhân. Hiện Bộ Giáo dục Nhật đã soạn tài liệu giảng dạy về phóng xạ và sẽ cung cấp cho các trường tiểu học, trung học trên toàn quốc. Bộ Giáo dục cũng đang tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng cho giáo viên để giảng dạy về phóng xạ.

Thiết bị nhắc nhở nguy cơ

Bên cạnh việc trang bị kiến thức về phóng xạ cho học sinh toàn quốc, Bộ Giáo dục Nhật cũng cung cấp dụng cụ đo lượng bức xạ (xạ lượng kế) cho học sinh ở các thành phố thuộc tỉnh Fukushima để nhắc nhở các em rằng nguy cơ phóng xạ là có thật. Nhà chức trách đã phân phối xạ lượng kế cho học sinh các trường tiểu học và trung học ở thành phố Date, Iwaki, Fukushima... kể từ đầu tháng 8. Ước tính đến tháng 9, toàn bộ học sinh ở tỉnh Fukushima sẽ được trang bị dụng cụ này.

Nữ sinh Akari Takeda, 16 tuổi, học ở Trường trung học Fukushima, không hề biết gì về phóng xạ trước khi thảm họa xảy ra ở Nhà máy Fukushima Daiichi. Giờ có trong tay chiếc xạ lượng kế, Takeda và các bạn bắt đầu đo mức phóng xạ ở trong và xung quanh trường học của mình.

Cô bé trở nên tự tin với những kiến thức mới mà mình có được. “Các chất phóng xạ bám vào hạt trong không khí - Takeda nói - Cháu sẽ cẩn thận để không hít phải các hạt này, nhưng cháu cũng không lo lắng quá nhiều và không cần đeo khẩu trang y tế suốt cả ngày”.

Theo chính quyền Tokyo, nỗ lực làm sạch phóng xạ ở các khu vực xung quanh Nhà máy Fukushima Daiichi sẽ giúp giảm nguy cơ học sinh tiếp xúc với phóng xạ tới 60%. Mới đây nhà chức trách cũng đã giảm mức phơi nhiễm phóng xạ tối đa đối với trẻ em xuống còn dưới 1 millisievert/năm. Trước đó, khi tai nạn ở Nhà máy Fukushima Daiichi xảy ra, chính quyền Nhật nâng mức phơi nhiễm đối với cả trẻ em và người lớn lên 20 millisievert/năm.

Mới đây, Cơ quan An toàn hạt nhân và công nghiệp Nhật cho biết lượng phóng xạ cesium ở Nhà máy Fukushima Daiichi xả ra cao gấp 168 lần lượng phóng xạ của quả bom Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima năm 1945. Nhà máy Fukushima Daiichi đã xả ra không khí 15.000 terabecquerel đồng vị phóng xạ cesium-137. Quả bom Mỹ thả xuống Hiroshima chỉ xả ra 89 terabecquerel cesium-137.
Theo Sơn Hà ( Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm