Các chuyên gia cho rằng, sẽ rất khó khăn để tính được có bao nhiêu người bị ốm và điều đáng quan tâm hơn là những hậu quả nặng nề về tâm lý chưa thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Nỗi lo ngại về bệnh ung thư
Nhiều cư dân của thị trấn Katsurao đã rời khỏi nhà mình sau thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Phần lớn người dân sống trong nhà tạm cách nhà cũ của mình khoảng một giờ lái xe. Tomoko Matsumoto, một y tá 36 tuổi làm việc với một nhóm bốn người để chăm sóc sức khỏe người dân cho biết nỗi sợ hãi của dân chúng.
"Người trẻ được đặc biệt quan tâm và những người mẹ thực sự lo lắng rằng con cái của họ sẽ bị ung thư tuyến giáp hoặc bệnh bạch cầu". Trong làng như Katsurao người ta quan tâm nhất là trẻ em.
Y tá Tomoko Matsumoto cho hay, tất cả các trẻ em dưới 15 tuổi đều được trang bị máy đo ảnh hưởng của phóng xạ và cho đến nay, các thiết bị đã không đưa ra bất kỳ con số đáng báo động nào. Có thể là rất khó khăn để xác định ảnh hưởng của bức xạ đến sức khỏe của người dân, nhưng sự sợ hãi là một thực tế đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày người dân Nhật Bản.
Nhiều người tránh ăn sản phẩm địa phương và không uống nước máy. Edwin Lyman, một chuyên gia cho rằng, ngay cả khi ung thư không được phát hiện rõ ràng trong các nghiên cứu dân số, không có nghĩa là nó không có ở đó và nó không đóng một vai trò quan trọng làm ảnh hưởng đến sự gia tăng bệnh ung thư.
Các nhà chức trách Nhật Bản đã bắt đầu nghiên cứu dài hạn để phân tích khả năng tác động của thiên tai. Trong tổng số khoảng 2 triệu cư dân từ các khu vực bị ảnh hưởng sẽ được theo dõi trong vòng 30 năm tiếp theo. Những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa sẽ nhận được bảng câu hỏi chi tiết cùng với việc kiểm tra toàn bộ cơ thể và kiểm tra tuyến giáp. Tổng cộng, khoảng 360.000 trẻ em dưới 18 tuổi được kiểm tra. Họ sẽ được kiểm tra 2 năm 1 lần cho đến khi 20 tuổi và sau đó là 5 năm 1 lần.
Các chuyên gia nói gì?
Theo những nhà khoa học thì nỗi sợ hãi của người dân vẫn chưa được chứng minh bằng những bằng chứng khoa học xác đáng bởi ngay cả khi các cư dân của Katsurao bị ung thư trong 10 năm, 20 năm hay 30 năm tới cũng sẽ gần như không thể xác định được nguyên nhân. Ngoài thảm họa Fukushima còn rất nhiều yếu tố khác có thể dẫn đến bệnh ung thư như thay đổi di truyền, hút thuốc, uống rượu, thói quen ăn uống không lành mạnh hoặc nhiễm virus… Khả năng rủi ro mà một người Nhật có thể bị ung thư trong cuộc đời mình là khoảng 40%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 610.000 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán trong năm 2010, trong khi con số này là 500.000 trường hợp trong năm 2000.
WHO ước tính rằng, vào năm 2022 sẽ có 670.000 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán ở nước Nhật. Một câu hỏi được đặt ra là bao nhiêu trường hợp ung thư có ảnh hưởng từ bức xạ hạt nhân? Giống như hầu hết các chuyên gia bức xạ, bác sĩ quang tuyến người Mỹ, Fred Mettler hy vọng rằng Fukushima sẽ không làm tăng tỷ lệ ung thư nói chung ở Nhật Bản. Nếu có, đó sẽ là một con số rất nhỏ.
Hậu quả tâm lý lớn hơn ảnh hưởng của bức xạ hạt nhân
Các chuyên gia khẳng định, hậu quả tâm lý của thảm họa hạt nhân là một nguy cơ lớn với dân số hơn cả ảnh hưởng của bức xạ. Có một kết luận tương tự sau khi thảm họa Chernobyl, khi nhiều người trong số những người di tản bị căng thẳng và trầm cảm. Họ ăn ít thực phẩm lành mạnh, hút thuốc và uống nhiều hơn, tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Y tá Matsumoto cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với những người tị nạn Katsurao bây giờ không phải là bức xạ mà là họ có quá ít những hoạt động thể chất.
"Trước đây, họ là những người nông dân làm việc chăm chỉ. Sau thảm họa, họ ngồi trong những ngôi nhà cứu trợ, ăn thực phẩm đóng gói sẵn thay vì các loại rau cây nhà lá vườn, chính điều này có thể đặt họ vào nguy cơ tăng cholesterol và lượng đường trong máu". "Một số đã bị trầm cảm. Những người tị nạn có gánh nặng kép vì đã bị mất việc làm và nhà cửa. Họ thực sự không biết làm thế nào khi mọi thứ đã ra đi", Matsumoto nói
Tường Phạm tổng hợp (Cảnh sát toàn cầu)