Sáng 24-12, chính phủ Nhật đã phê chuẩn dự thảo ngân sách với mức kỷ lục 96.722 tỉ yen (799,93 tỉ USD) cho năm tài khóa từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017. Từ đây đến tháng 3-2016, Quốc hội Nhật sẽ thông qua dự thảo ngân sách mới.
Dự thảo ngân sách dành mức chi tiêu cao nhất cho an sinh xã hội (31.974 tỉ yen). Trong đó, chú trọng tăng chi cho trẻ em để khuyến khích sinh đẻ và phụ nữ làm việc. Đây là hai mục tiêu then chốt Thủ tướng Shinzo Abe nhắm đến.
Nhật sẽ giảm mức phát hành trái phiếu chính phủ còn 34.430 tỉ yen (36% ngân sách), mức thấp nhất trong chín năm qua, nhờ tiền thuế sẽ tăng lên đến 57.604 tỉ yen, mức cao nhất từ năm 1991.
AFP ghi nhận quốc phòng và ngoại giao vẫn tiếp tục là hai lĩnh vực then chốt của Nhật vì năm tới Nhật sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 trong bối cảnh căng thẳng trên biển và nguy cơ khủng bố toàn cầu.
Ngân sách dành cho quốc phòng được dự kiến là 5.054 tỉ yen. Đây là lần đầu tiên ngân sách quốc phòng vượt trên mức 5.000 tỉ yen.
Thủ tướng Shinzo Abe tham dự cuộc duyệt binh mang tên “Duyệt binh hạm đội 2015” gần Tokyo giữa tháng 10. Ảnh: JAPAN TIMES
Đài truyền hình Channel News Asia (Singapore) nhận xét đây là mức tăng chi tiêu quốc phòng trong năm thứ tư liên tiếp.
Trang tin Rappler (Philippines) ghi nhận ngân sách quốc phòng Nhật dự kiến tăng 1,5% (41,8 tỉ USD) vì Nhật đang củng cố quân đội do lo ngại âm mưu bành trướng trên biển của Trung Quốc.
Đặc biệt Nhật chú trọng tăng cường bảo vệ chuỗi đảo phía nam chạy dài từ Nhật đến gần Đài Loan.
Trong danh mục mua sắm vũ khí của Nhật có 17 trực thăng tuần tra biển SH-60K, ba máy bay không người lái Global Hawk, sáu máy bay tiêm kích tàng hình F-35, bốn trực thăng “chim ưng biển” V-22 Osprey.
Nhật cũng dự kiến mua một tàu khu trục Aegis trang bị radar hiện đại có khả năng phòng thủ chống tên lửa và máy bay cảnh báo sớm E-2D.
Bộ Quốc phòng Nhật cũng đã chuẩn bị triển khai thêm quân và radar, đồng thời thành lập một lực lượng tương tự lính thủy đánh bộ Mỹ.
Báo Wall Street Journal (Mỹ) ghi nhận Nhật tăng chi cho quốc phòng sau sự kiện Nhật thông qua hai dự luật về an ninh hồi tháng 9 nhằm mở rộng khả năng Nhật tham chiến ở nước ngoài.
Báo nhận định dù quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh vừa mới hâm nóng chút ít nhưng hai nước vẫn tiếp tục bất đồng về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
GS Noboru Yamaguchi (tướng về hưu) tại ĐH Quốc tế Nhật nhận xét chi tiêu quốc phòng của Nhật chú trọng đến tính cơ động để sẵn sàng di chuyển các đơn vị trong đất liền ra các đảo phía nam nếu xảy ra khủng hoảng.
Ông ghi nhận tính cơ động được thể hiện ở khả năng vận tải cũng như khả năng chiếm ưu thế về không quân và hải quân.
Báo nhận định Nhật tăng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn tăng hai chữ số và Trung Quốc thường xuyên đưa tàu đến gần các đảo tranh chấp.
Ngày 23-12, lực lượng phòng vệ biển Nhật thông báo chiều hôm trước đã phát hiện một tàu tuần duyên Trung Quốc có bốn tháp pháo đi vào vị trí cách quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông 18 hải lý. Đây là lần đầu tiên tàu tuần duyên Trung Quốc có trang bị vũ khí đến gần khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Takako Ito đã yêu cầu tàu tuần duyên Trung Quốc ngừng ngay các hoạt động gần quần đảo Senkaku. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn khăng khăng cho rằng đó là đảo của Trung Quốc từ xa xưa và tàu Trung Quốc có quyền tuần tra. 1,7% tăng trưởng và 1,2% lạm phát được dự kiến trong tài khóa từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017. Căn cứ dự báo này chính phủ Nhật tính toán mức thu chi ngân sách. _________________________________ Dự thảo ngân sách của Nhật với mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục đã phản ánh ý muốn của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm củng cố bảo vệ các đảo bên ngoài đang là tâm điểm tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Báo WALL STREET JOURNAL (Mỹ) |