Nhậu đến… vỡ bàng quang!

Gần đây, liên tục xảy ra nhiều vụ vỡ bàng quang hy hữu. Sự cố sức khỏe này xảy ra do các tay nhậu ham vui, sa đà, uống xả láng…

Suýt chết vì chứng tỏ bản lĩnh

Trường hợp vỡ bàng quang mới nhất vừa được Bệnh viện (BV) Bình Dân (TPHCM) tiếp nhận cấp cứu, phẫu thuật là anh L.H.K (29 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang). Trước nhập viện 2 ngày, anh K. nhậu cùng nhóm bạn và có giao kèo khi nhậu hễ ai đi tiểu thì chứng tỏ người đó thận yếu, chức năng sinh lý “có vấn đề”, không có “bản lĩnh đàn ông”. Vì không muốn thua “chiến hữu”, anh K. cố gồng người nín tiểu “chơi” xả láng.
Tàn cuộc vui, đến khuya, anh bị đau bụng đột ngột và tự mua thuốc giảm đau về uống. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc, chẳng những bệnh không bớt mà lại rơi vào tình trạng bị sốc nặng, vùng bụng dưới đau dữ dội, tiểu ra máu, ngất xỉu, được người nhà đưa đi cấp cứu. Tại BV Bình Dân, bác sĩ (BS) phát hiện anh không bị tổn thương bụng mà bị vỡ bàng quang, dẫn đến khoảng 1,5 lít máu chảy dồn trong ổ bụng. Các BS đã phẫu thuật cấp cứu vá lại bàng quang, đồng thời dẫn lưu lượng máu tồn ứ ra ngoài, cứu được bệnh nhân.

Theo ThS-BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nam học - BV Bình Dân (người trực tiếp mổ cho anh K.), đây là trường hợp bị tai nạn về đường niệu khoa hiếm gặp. Bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc do nhiễm trùng, mất máu. Nếu không được phẫu thuật kịp thời thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Cũng theo BS Tiến Dũng, ở nam giới, việc đi tiểu nhiều lần sau khi đã uống bia rượu không liên quan gì đến sinh lý và việc này chứng tỏ thận bệnh nhân còn quá tốt chứ không phải yếu như suy nghĩ của nhiều người.

Các BV ở TPHCM như Bình Dân, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Gia Định… cũng từng tiếp nhận những trường hợp tai biến niệu khoa như trên.

Chớ nên nín tiểu!

Các BS chuyên khoa cho biết bàng quang là nơi chứa đựng nước tiểu. Khi dung tích tăng đến khoảng từ 250-350 ml thì bàng quang căng dãn khiến con người mắc tiểu. Người nào vì một lý do gì đó mà nhịn tiểu, khiến dung tích bàng quang tăng quá tải lên đến trên 500 ml sẽ gây đau, đau bụng dưới và có thể làm vỡ bàng quang, rất nguy hiểm đến tính mạng.

Khó nhận biết, xử trí

Theo các BS, bệnh nhân bị vỡ bàng quang thường bị sốc đa chấn thương nên rất khó nhận biết, dễ khiến việc xử trí không kịp thời. Dấu hiệu nhận biết vỡ bàng quang trong phúc mạc là đau dữ dội ở vùng dưới rốn, tiểu buốt, tiểu rát, cảm giác rất muốn đi tiểu nhưng lại không đi được, bụng trướng. Nếu vỡ bàng quang ngoài phúc mạc thì có biểu hiện da tái nhợt, chân tay lạnh, nhịp thở nhanh, đau dữ dội vùng rốn, bẹn, nước tiểu có lẫn máu…

Theo BS Phạm Quang Thông (BV Chợ Rẫy), bàng quang là tạng, được khung xương chậu bảo vệ nên ít bị tổn thương khi có chấn thương vùng bụng. Tuy vậy, khi ở trạng thái căng đầy thì lại khác. Trung tâm thần kinh điều khiển tiểu tiện ở vùng tủy sống, tiểu não và vỏ não sẽ báo động về tình trạng căng đầy của bàng quang.  

Một trong những nguyên nhân rất dễ gây vỡ bàng quang là do uống rượu bia quá nhiều, làm rối loạn cơ chế báo động này. Nồng độ cồn trong máu cao sẽ làm ức chế vỏ não và một số trung tâm thần kinh điều khiển tiểu tiện, gây rối loạn ý thức nên người uống rượu bia nạp vào rất nhiều song lại không có cảm giác muốn đi tiểu, dẫn đến tình trạng dễ làm cho dung tích bàng quang tăng quá ngưỡng cho phép.
Lúc căng ứ nước tiểu, thành bàng quang mỏng đi và việc bị vỡ dễ xảy ra hơn. Lúc này, chỉ cần một tai nạn, chấn thương nhỏ cũng đủ làm bàng quang bị vỡ. Một số trường hợp hiếm gặp là bàng quang vỡ mà không cần tác động bên ngoài. Thống kê của BV Chợ Rẫy cho thấy có khoảng 72% trường hợp vỡ bàng quang có liên quan đến tai nạn giao thông, trong đó có một tỉ lệ cao liên quan đến bia rượu.

Các chuyên gia khuyến cáo: Vỡ bàng quang là một bệnh lý cấp cứu ngoại khoa, nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, vùng tiểu khung, xương chậu, xơ hóa khoang sau phúc mạc, có thể gây tử vong do sốc.

Cách phòng ngừa đơn giản, hữu hiệu nhất là hạn chế tối đa việc nín tiểu. Với người uống rượu bia, nên chủ động “giải tỏa” cho bàng quang chứ đừng chờ cảm giác mắc tiểu (vì lúc này cảm giác đó đã bị ức chế do rượu bia khiến ta sẽ không có cảm giác cần “giải quyết”). Ngoài ra, cũng cần khám sức khỏe để sớm phát hiện các bệnh lý, dị tật bẩm sinh liên quan đến bàng quang như bàng quang yếu, dung tích nhỏ, bất thường hình dạng.
Theo NGUYỄN THẠNH (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm