Khi nhiệt độ tăng cao, “máy điều hòa” nhiệt độ trong cơ thể sẽ tự làm mát bằng cách dãn mạch máu vùng ngoại biên. Mồ hôi cũng được cơ thể tiết ra để tạo hiện tượng bốc hơi nước trên da. Khi mạch máu dãn nở, lượng nước cơ thể mất nhiều, tim sẽ tăng co bóp đẩy máu đến “vùng sâu vùng xa”, khiến tim mau đuối sức.
Trường hợp này cần nghỉ ngơi và uống nước nhằm giảm tải cho tim và giảm độ đậm đặc của máu. Nếu vẫn tiếp tục hoạt động, tim buộc phải tăng tốc vừa cung cấp dưỡng chất, oxy, và thải chất cặn bã trong quá trình hoạt động của cơ bắp, vừa "lo" cho quá trình điều hòa nhiệt độ. Lúc này cơ thể sẽ báo động cho chủ nhân biết bằng các dấu hiệu: tim đập nhanh, mệt, khó tập trung, nôn ói… Khi thấy những dấu hiệu này, cần nghỉ ngơi chỗ thoáng mát.
Điều cần lưu ý là nhiệt độ tăng cao còn làm tâm lý thay đổi, gây rối loạn thần kinh tim khiến tim đập nhanh. Khi cảm thấy tim đập thình thịch, cần hít thở sâu, nhẹ nhàng để cung cấp dưỡng khí cho tim. Vào mùa nắng nóng, ăn nhiều, uống nước nhiều một lúc sẽ gây sức ép buộc tim làm việc nhiều. Do đó, khi cảm thấy nóng bức, cần ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, ăn vừa đủ no; uống nước ấm và uống từng ngụm sẽ điều chỉnh được những tình trạng bất ổn như: mệt mỏi, hơi thở nông, thở gấp gáp, cảm giác thiếu hơi...
Động mạch vành đem chất dinh dưỡng đến nuôi tim. Nếu mạch vành bị khối xơ vữa choán chỗ sẽ tắc nghẽn lưu thông máu. Khi tim buộc phải co bóp nhanh để nuôi các cơ quan và mạch máu trong cơ thể thì chính bản thân nó cũng có nguy cơ cao thiếu dưỡng chất, dẫn đến các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim…
Với người suy tim (do bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh...), lực bóp của tim kém, dẫn đến lượng máu đến “vùng sâu vùng xa” giảm. Nếu khả năng thu máu về tim giảm, máu sẽ ứ lại ở “vùng xa” gây phù nề, và làm thiếu máu cơ tim… dễ xảy ra đột quỵ.
Người đã từng đặt nòng giá đỡ (stent) để điều trị bệnh xơ vữa mạch máu, khi cơ thể xuất mồ hôi, mất nước, máu đặc lại dễ gây tắc stent.
Để giữ sức khỏe cho tim cũng như phòng các tai biến thiếu máu não, xơ mạch máu não, TS Nguyễn Hoài Nam – Đại học Y dược TP.HCM hướng dẫn:
- Khi trời nóng cần ăn mặc thoáng mát, dùng quạt, máy điều hòa nhiệt độ.
- Tránh ra đường vào giờ cao điểm nắng nóng từ 11g đến 15g.
- Khi từ phòng lạnh ra ngoài trời và ngược lại cần đứng ở khu vực trung gian: trước cửa phòng, sảnh chờ, sảnh nghỉ, phòng khách… một thời gian để nhiệt độ không tăng - giảm đột ngột.
- Ăn vừa đủ no, dùng các món nhẹ, dễ tiêu để giúp tim đỡ phải làm việc nặng nhọc. Giảm mặn, hạn chế uống rượu, cà phê.
- Bệnh nhân suy tim cần bù nước thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo Vũ Âu (Phụ nữ TP.HCM)