Ngày 18-7, trao đổi với PLO, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, cho biết tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã có 33 người nghỉ việc và chuyển công tác, trong đó có 17 bác sĩ. Việc này đã gây quá tải công việc trong bệnh viện và ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Hàng loạt bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai nghỉ việc. Ảnh: LK. |
“Nguyên nhân của tình trạng này là do lương cho bác sĩ quá thấp dẫn đến nhiều người nghỉ việc, chuyển sang làm cho các bệnh viện tư. Giải pháp trước mắt là sàng lọc, sắp xếp vị trí công việc cho phù hợp, tránh quá tải”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc nói.
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho biết thêm, hiện nay bệnh viện có 166 bác sĩ, thì có đến 63 bác sĩ thực nhận lương dưới 4 triệu đồng/tháng. Với mức lương như vậy là quá thấp, trong khi các chi phí hàng ngày, cho gia đình ngày mỗi cao. Ở các bệnh viện tư có mức lương cao hơn nên không tránh khỏi tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công.
Ở một số vị trí có bác sĩ chuyên môn cao nghỉ việc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của bệnh viện. Nhiều bác sĩ trẻ được bệnh viện đào tạo bài bản, có tay nghề cứng xong cũng nghỉ việc đi nơi khác.
Lương thấp là nguyên nhân chính khiến bác sĩ nghỉ việc. Ảnh: TP. |
Theo đó, nguyên nhân dẫn đến lương và phụ cấp cho bác sĩ thấp là do bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ nhưng “thu không đủ chi”. Đặc biệt, trong hai năm diễn ra dịch COVID-19, số giường bệnh đạt chưa đến 60%, nay mới phục hồi 72%. Các khoản khám bảo hiểm y tế vượt nhiều tỉ đồng vẫn chưa được phía bảo hiểm thanh toán.
Mặt khác, khung giá khám bệnh đối với bệnh viện công hiện nay còn quá thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu của bệnh viện. Qua so sánh trực quan một ca phẫu thuật kỹ thuật cao “tán sỏi nội soi”: ở một bệnh viện tư có giá 6,8 triệu đồng, trong khi bệnh viện tỉnh bảo hiểm chi trả hơn 1,2 triệu đồng.
Trong nhiều năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai đã triển khai xây dựng cơ chế tự chủ. Thế nhưng số liệu qua các năm cho thấy “thu không đủ chi”, thu ở giá trị âm và còn nợ nhiều đối tác.
Cụ thể, năm 2020, âm hơn 13 tỉ đồng; năm 2021, âm 27 tỉ đồng và năm 2022, âm 22 tỉ đồng, tổng ba năm âm hơn 63 tỉ đồng. Tính đến cuối năm 2022, đang thiếu hụt khoảng 115 tỉ đồng phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh. Trong khi nhân sự của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 922 người, hàng tháng chi không dưới 7 tỉ đồng.
“Giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng bác sĩ nghỉ việc là bệnh viện sẽ xây dựng đề án tăng thu từ các hoạt động dịch vụ y tế và phí y tế trình Sở Y tế tỉnh phê duyệt. Đồng thời đề nghị tỉnh và cấp trên xem xét có giải pháp thích hợp hỗ trợ cho bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, tháo gỡ khó khăn”, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tấn Phúc chia sẻ.