Nhiều cơ hội làm việc tại Nhật

Biến động chính trị, lạm phát kinh tế tại một số khu vực trên thế giới khiến hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam thời gian qua bị gián đoạn. Tuy nhiên, gần đây thị trường lao động tại Nhật Bản đang có dấu hiệu ấm trở lại. Các nghiệp đoàn tại nước này có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều lao động trong lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, đặc biệt là cơ khí chế tạo.

Thị trường Singapore cũng có nhu cầu tuyển dụng khá nhiều nhân lực làm các công việc quản lý trong các lĩnh vực kinh doanh, khách sạn, du lịch…

Nhật: Đa dạng ngành nghề tuyển dụng

Ông Trần Văn Thạnh, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco), cho biết sau thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản hồi tháng 3, nền kinh tế của nước này đang cần nhiều lao động để tái thiết và phục hồi sản xuất. Mức chi phí cho mỗi thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản vào khoảng 40 triệu đồng, bao gồm học tiếng, khám sức khỏe, chi phí môi giới theo quy định…

Ông Nguyễn Xuân Vui, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại hàng không (Airserco), cho biết thị trường lao động Nhật Bản đang tốt lên cả về số lượng và đa dạng ngành nghề tuyển dụng sau thảm họa động đất, sóng thần. Theo đó, bình quân mỗi đợt các nghiệp đoàn đặt hàng 30-60 lao động.

Nhiều cơ hội làm việc tại Nhật ảnh 1

Tuyển dụng lao động xuất khẩu của Công ty Suleco tại hội chợ việc làm. Ảnh: HTD

Theo ông Vui, các nghiệp đoàn Nhật Bản đánh giá cao tinh thần làm việc của lao động Việt Nam, đặc biệt là sự chia sẻ của lao động Việt Nam với người sử dụng lao động Nhật Bản trong bối cảnh khó khăn.

Để chứng minh môi trường làm việc an toàn sau vụ rò rỉ hạt nhân ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các nghiệp đoàn khi sang tuyển dụng lao động đều cung cấp đầy đủ thông tin về phóng xạ cho các lao động tại Việt Nam biết để yên tâm đến Nhật Bản làm việc.

Theo nhận định của giới xuất khẩu lao động và người lao động trở về từ Nhật Bản, đây là thị trường tương đối ổn định và có mức thu nhập khá cao khoảng 1.000 USD/tháng. Bản hợp đồng làm việc tại Nhật Bản có thời hạn ba năm. “Thực tập sinh sau khi hết hợp đồng về nước, họ có tay nghề và tác phong làm việc rất chuyên nghiệp” - ông Vui bày tỏ.

Singapore: Cần lao động có tay nghề, giỏi ngoại ngữ

Singapore đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân sự chủ yếu làm trợ lý, quản lý với yêu cầu trình độ từ CĐ trở lên và phải giỏi tiếng Anh giao tiếp, soạn thảo văn bản.

Đại diện của Công ty Suleco cho biết nhiều lao động có bằng cấp rất xuất sắc nhưng không vượt qua được vòng phỏng vấn tiếng Anh. Vị đại diện này thông tin, tổng chi phí cho mỗi lao động sang Singapore làm việc khoảng 2.500-2.800 USD, bù lại mức thu nhập tương đối cao, khoảng 1.800 USD/tháng với thời hạn hợp đồng làm việc hai năm, có gia hạn thêm. Ứng viên có nhu cầu sang Singapore làm việc chỉ cần cung cấp giấy tờ cá nhân, bằng cấp liên quan để được hướng dẫn hoàn tất thủ tục.

Ông Vui lưu ý: “Thị trường lao động Singapore chỉ tuyển dụng lao động có tay nghề cao và trình độ ngoại ngữ giỏi. Nếu các công ty rao tuyển dụng phổ thông hoặc không đề cập đến chuyên môn và ngoại ngữ, người lao động cần cẩn trọng để không bị lừa”.

Nhật Bản là thị trường truyền thống, hiện nhu cầu lao động tại nước này có tăng nhưng không đột biến. Cạnh đó, Singapore cũng là thị trường tiềm năng, hiện đang cần nhiều lao động có trình độ chuyên môn để làm quản lý, trợ lý. Ngoài ra, thị trường Malaysia cũng cần rất nhiều lao động nhưng các doanh nghiệp tuyển không được lao động.

Thị trường Malaysia dù mức thu nhập đã được cải thiện (khoảng 6-7 triệu đồng/tháng) nhưng chưa thu hút được lao động. Nguyên nhân là do người lao động còn e ngại bị ảnh hưởng từ các vụ khủng hoảng lao động trước đây. Đặc biệt, thị trường Hàn Quốc được rất nhiều người lao động kỳ vọng, nhiều lao động đã học xong tiếng Hàn băn khoăn họ đã hoàn thành khóa học nhưng chưa biết lúc nào sẽ kiểm tra tiếng để sang Hàn làm việc. Hiện chúng tôi đang thương lượng với phía Hàn Quốc rồi mới chính thức ấn định thời gian thi tiếng Hàn.

Ông NGUYỄN NGỌC QUỲNH, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm