Nhiều công ty công nghệ bán dẫn chờ đổ hàng tỉ USD vào Việt Nam

(PLO)- Nhờ vị trí địa lý phù hợp với xu hướng “Trung Quốc +1”, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, đặc biệt là các “đại bàng” công nghệ, công nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI) cho thấy tính đến ngày 20-12-2023, Việt Nam có tổng cộng 39.140 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 468.9 tỉ USD, tăng gần 7% so với thời điểm 20-12-2022.

công nghệ bán dẫn
Chip bán dẫn được trưng bày tại hội nghị bán dẫn thế giới ở TP Nam Kinh (Trung Quốc). Ảnh: ORIENTAL IMAGE

Nhiều công ty công nghệ bán dẫn chờ đổ hàng tỉ USD vào Việt Nam

Về xu thế các doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới đầu tư vào Việt Nam, báo Financial Times nhận định nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn thế giới, từ Nvidia cho đến Samsung đang có kế hoạch tăng cường mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam.

Intel hiện tại đã có trung tâm lắp ráp và thử nghiệm sản phẩm lớn nhất toàn cầu tại Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách kinh tế, năng lượng và môi trường - ông Jose Fernandez ngày 26-1 tái khẳng định cam kết của Mỹ giúp Việt Nam đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn trong những năm tới thông qua các khoản hỗ trợ từ quỹ do đạo luật CHIPS của Mỹ thành lập.

Việt Nam là một trong 7 nước được Mỹ hỗ trợ từ quỹ này, có tên viết tắt là ITSI. Số tiền hỗ trợ cụ thể mà phía Mỹ dành cho Việt Nam từ đạo luật CHIPS dự kiến sẽ được công bố ngay trong tháng 2-2024.

Ông Jose Fernandez khẳng định sẽ có thêm các doanh nghiệp Mỹ tìm đến đầu tư vào bán dẫn Việt Nam nếu Việt Nam cung cấp đủ năng lượng sạch nhằm giúp các doanh nghiệp toàn cầu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Financial Times nhấn mạnh cuộc chạy đua giành vị thế đứng đầu ngành công nghệ thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến cho "đại bàng" công nghệ bán dẫn và các doanh nghiệp liên quan tìm kiếm địa điểm sản xuất thứ ba để chuẩn bị tốt nhất cho việc giữ ổn định chuỗi cung ứng trong tương lai, chính vì vậy xu thế tìm đến mở rộng đầu tư tại những nước như Việt Nam là “không thể đảo ngược”.

Khi "đại bàng" công nghệ Apple tìm đến Việt Nam

Năm 2022, ba đối tác lớn của Apple là Foxconn, Luxshare và GoerTek công bố sẽ liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Apple cũng như tránh sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Sự dịch chuyển của Apple sang Việt Nam khởi đầu với tai nghe AirPods vào năm 2020, sau đó mở rộng sang máy tính bảng iPad và đồng hồ Apple Watch. Apple có 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam, chiếm 13.9% trong tổng số 190 nhà cung ứng, tính đến quý IV-2021.

Sự dịch chuyển của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam khởi đầu với tai nghe AirPods vào năm 2020, sau đó mở rộng sang máy tính bảng iPad và đồng hồ Apple Watch - Ảnh: AFP
Sự dịch chuyển của Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam khởi đầu với tai nghe AirPods vào năm 2020, sau đó mở rộng sang máy tính bảng iPad và đồng hồ Apple Watch - Ảnh: AFP

Cuối năm 2023, tiếp tục xu hướng "Trung Quốc + 1", Apple chuyển việc sản xuất một công đoạn phát triển sản phẩm (NPI) rất quan trọng của máy tính bảng iPad sang Việt Nam.

Công đoạn NPI gồm việc Apple hợp tác với nhà cung cấp trong khâu thiết kế và phát triển sản phẩm mới để xác định, phát triển, cải tiến hoặc tung ra thị trường một sản phẩm.

Chuyên gia phân tích về công nghệ tại Counterpoint Research, ông Ivan Lam, khẳng định: "Việt Nam ngày một trở thành địa điểm sản xuất quan trọng và chiến lược của Apple trong các trung tâm sản xuất toàn cầu. Việc vẽ lại bản đồ chuỗi cung ứng của Apple cho thấy năng lực sản xuất của hãng tại Việt Nam đang ngày một được nâng cấp hơn".

Ông Châu Nghĩa Văn, Phó tổng giám đốc phụ trách Tổng bộ Tập đoàn KHKT Hồng Hải tại Việt Nam (Foxconn Việt Nam) chia sẻ: "Năm 2019, tập đoàn quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh với số vốn ban đầu là 47 triệu USD. Một năm sau chúng tôi đã tăng vốn và thành lập thêm một pháp nhân mới tại tỉnh ".

Foxconn đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007, tập đoàn chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng và truyền thông. Tính đến nay, Foxconn đã đầu tư 3.2 tỉ USD vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức mà Việt Nam cần phải vượt qua nếu muốn thu hút nhiều hơn nữa các "đại bàng" công nghệ.

Theo đó, Việt Nam cần gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, sớm đồng bộ hóa hoạt động nghiên cứu và phát triển, đồng thời nhanh chóng xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân sự có chất lượng, tay nghề cao trong ngành bán dẫn, đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của ngành.

Việc thiếu đi những yếu tố trên đã khiến Việt Nam bỏ lỡ hàng tỉ USD vốn đầu tư từ một số doanh nghiệp công nghệ lớn. Đơn cử, mới đây, Tập đoàn công nghệ AT&S của Áo đã lựa chọn đầu tư vào Malaysia thay vì Việt Nam sau khi tiến hành khảo sát, Financial Times cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm