Theo báo cáo quý II-2024 của Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thông qua kết quả khảo sát doanh nghiệp (DN) trong địa bàn TP.HCM cho thấy, hầu hết các DN đang hoạt động ổn định với tỉ lệ hơn 57%, tăng 6% so với quý I-2024.
Doanh thu của doanh nghiệp TP.HCM giảm
Dù vậy, số DN giảm doanh thu lại tăng vọt lên mức 30,4%. Lượng hàng tồn kho cũng tăng lên mức 34%, số dư nợ tăng 42%. Đáng chú ý, khá nhiều DN có kế hoạch giảm lao động ở mức 30%.
Đây là dấu hiệu chỉ báo cho thị trường đang dần xấu đi, DN khó tiêu thụ hàng hóa và tình trạng nợ dây dưa diễn ra phổ biến trong cộng đồng. Chưa kể còn có sự thanh lọc thị trường đối với đơn vị có vốn mỏng, quản trị yếu hoặc ngành có sự suy giảm sức cầu đột biến.
Cũng theo HUBA, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp TP.HCM hiện nay chính là thiếu thị trường, do nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong khi đó, các khó khăn về vốn, ngân sách hầu hết đã được giải quyết mà lý do ở đây là DN không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn.
Các áp lực về nghĩa vụ thuế, phí, bảo hiểm xã hội (BHXH), kinh phí công đoàn... vẫn được cho là cao trên sức chịu đựng của khá nhiều DN.
Một thực trạng khác là việc khó tuyển dụng lao động thời vụ. Lực lượng lao động trẻ hiện nay có xu hướng lựa chọn công việc chạy xe công nghệ, giao hàng, dịch vụ để linh động thời gian, ít bị kiểm soát và không muốn gắn bó lâu dài.
Doanh nghiệp TP.HCM muốn giảm thuế phí, BHXH...
Chính vì thế, để giải quyết các tồn động trên, cộng đồng DN kiến nghị TP.HCM nhanh chóng giải quyết các vấn đề cơ bản về vốn, dung lượng thị trường, thuế, phí…
Cụ thể 63% DN mong muốn được TP hỗ trợ vấn đề đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng và 63% DN yêu cầu được giảm các loại thuế, phí, BHXH, phí công đoàn.
46% DN yêu cầu nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của DN; 45% DN cho rằng TP cần hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất.
32% DN yêu cầu TP đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông và các tiện ích khác, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong khi 29% DN yêu cầu hạn chế hình sự hóa quan hệ dân sự và kinh tế.
Trong các kiến nghị, đáng chú ý là kiến nghị về vấn đề về vốn. HUBA cho biết, hầu hết các DN đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền.
Đối với DN có quy mô vừa và lớn khó khăn phổ biến là tình trạng nợ dây dưa khó đòi. Tình trạng bị chiếm dụng vốn còn cao, vốn vay bị tắc, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm 2024.
Tiêu biểu các DN bất động sản đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến hơn 351 nghìn tỉ đồng. Trong đó ước tính giá trị cần xử lý trong năm 2024 là gần 100 nghìn tỉ.
Đối với DN nhỏ và siêu nhỏ thì khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi bị chủ nợ vay hối thúc trả.
“Mặc dù Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN. Nhưng đáng tiếc thay, một số chính sách dường như rơi không đúng chỗ nên hiệu quả không cao.
Chẳng hạn gói 120 nghìn tỉ cho nhà ở xã hội với lãi suất 1,5-2% so với thị trường, sau gần 1 năm triển khai mới giải ngân được 500 tỉ đồng, tức chưa tới 1% với vỏn vẹn 7 dự án.
Do đó, cộng đồng DN kiến nghị chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư, suy giảm cầu tiêu dùng"- HUBA kiến nghị.
Bên cạnh đó, HUBA cho rằng nhà nước cần có cơ chế chính sách phát triển thu hút đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ sản phẩm tài chính khác, hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).
Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, kiến nghị nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024. Không tạo áp lực trả nợ mới cho DN, giảm tối đa lãi suất vay vốn...