Chặn giá hàng hóa 'té nước theo mưa' để việc tăng lương có ý nghĩa

(PLO)- Với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, hiện lạm phát có thể xem là chấp nhận được và không quá lo ngại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) từ 1-7 tới sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cụ thể là cán bộ, công viên chức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nỗi lo lớn nhất mỗi khi tăng lương là giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ cũng “té nước theo mưa” tăng giá, người dân chưa hưởng lợi đã chịu thiệt. Thực tế hiện nay, lương chưa tăng nhưng chi phí sinh hoạt, dịch vụ đã khá cao so với mặt bằng chung.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM liên quan vấn đề này, tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá, mức độ lạm phát phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình sản xuất, năng suất lao động, chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ, và tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu các yếu tố này được quản lý tốt, lạm phát có thể được kiểm soát ngay cả khi tín dụng và vòng quay tiền tăng.

Không quá lo ngại

Phóng viên: Tổng cục Thống Kê cho biết, so với tháng 12-2023 thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Theo ông lạm phát có đáng lo ngại trong thời điểm này?

TS. Nguyễn Tuấn Anh: CPI tháng 5-2024 tăng 1,24% so với tháng 12-2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đáng kể nhưng không quá đột biến trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.

CPI bình quân năm tháng đầu năm tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, trong khi lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Lạm phát cơ bản, loại bỏ các yếu tố biến động như giá thực phẩm và năng lượng, tăng ở mức vừa phải, cho thấy các yếu tố lạm phát cơ bản đang được kiểm soát tốt hơn.

So với mục tiêu lạm phát của Chính phủ (Thủ tướng yêu cầu bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống), mức lạm phát này có thể được xem là chấp nhận được và không quá lo ngại.

Ngoài ra, chính sách điều hành kịp thời và phù hợp của Chính phủ cũng có thể xem như một phương pháp quản lý rủi ro, làm giảm lo ngại về lạm phát.

lạm phát có
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT Việt Nam

. Thời gian qua, giá nhà trọ, căn hộ cho thuê, tiền học phí, vé máy bay đều tăng cao. Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt, cá… cũng tăng giá. Nếu để lạm phát tăng, thì các biến số như tỉ giá, lãi suất và tăng trưởng GDP sẽ biến động ra sao?

+Nếu để lạm phát tăng, sẽ ảnh hưởng đến cả ba biến số nói trên. Cụ thể, khi lạm phát trong nước tăng, giá trị đồng nội tệ thường giảm so với các đồng tiền khác do sức mua giảm. Điều này có thể dẫn đến tỉ giá cao hơn. Lúc này, chi phí nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng, góp phần làm tăng lạm phát tiếp theo, tạo ra một vòng xoáy lạm phát.

Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất cao hơn làm giảm chi tiêu tiêu dùng và đầu tư, giúp kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân cũng tăng, làm giảm động lực vay vốn và chi tiêu.

Việc tăng lãi suất vào thời điểm này có thể có nguy cơ cản trở môi trường tín dụng và thanh khoản.

Ngoài ra, lạm phát cao có thể làm giảm tăng trưởng GDP, vì chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa tăng, sức mua của người tiêu dùng giảm, dẫn đến giảm cầu và giảm sản xuất. Đồng thời, lạm phát cao có thể làm giảm đầu tư do doanh nghiệp đối diện chi phí vay vốn tăng và lợi nhuận kỳ vọng giảm.

.Có thể thấy, thời gian qua mới chỉ có một số mặt hàng hóa trọng yếu tăng giá đã đẩy lạm phát tăng lên trong khi tín dụng vẫn còn yếu. Nếu tín dụng tăng mạnh và vòng quay tiền tốt hơn vào cuối năm, liệu lạm phát có bật tăng mạnh?

+Sự gia tăng tín dụng sẽ làm tăng cung tiền và tác động đến lạm phát. Ảnh hưởng của tín dụng đến lạm phát và tăng trưởng kinh tế sẽ khác nhau giữa các quốc gia và trong mỗi giai đoạn phát triển của thị trường tiền tệ, mức độ tác động của tín dụng đến nền kinh tế trong cùng một quốc gia cũng sẽ khác biệt.

Trong ngắn hạn, có thể xảy ra sự lệch pha giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng, nhưng trong dài hạn, mối quan hệ này luôn được đảm bảo.

Mức tăng trưởng tín dụng và cung tiền mỗi năm là động lực quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đó cũng là lý do tại sao Chính phủ luôn quan tâm đến mức tăng trưởng tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, tác động của chính sách tiền tệ đến lạm phát và tăng trưởng qua các kênh như tín dụng, lãi suất, giá tài sản tài chính, và tỉ giá luôn có độ trễ nhất định.

hinh 5 2 1.jpg
Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá kỹ các tác động của lạm phát. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Mức độ lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tình hình sản xuất, năng suất lao động, chính sách tiền tệ và tài khóa của Chính phủ, và tình hình kinh tế toàn cầu. Nếu các yếu tố này được quản lý tốt, lạm phát có thể được kiểm soát ngay cả khi tín dụng và vòng quay tiền tăng.

Giữ lạm phát hợp lý để tăng trưởng kinh tế

.Nhiều ý kiến cho rằng nỗi lo lớn nhất mỗi khi tăng lương là giá cả hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ cũng “té nước theo mưa” tăng giá, người dân chưa hưởng lợi đã chịu thiệt. Vậy làm thế nào để không xảy ra tình trạng lương chưa tăng giá đã tăng và giữ mức lạm phát một cách hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

+Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22-6-2024, gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Các biện pháp đã được thực hiện bao gồm giảm lãi suất cho vay, duy trì tỉ giá ổn định để tránh biến động mạnh, giúp ổn định giá cả hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu.

Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó là giảm thuế giá trị gia tăng cho một số nhóm hàng hóa và dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Các biện pháp này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và dư luận.

Thời gian tới, áp lực từ việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý đã bị trì hoãn. Cùng lúc là chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu và chi phí vận tải đường biển có xu hướng tăng, việc thực hiện cải cách chế độ tiền lương... đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động đánh giá, nắm bắt tình hình để kịp thời có kế hoạch ứng phó, đưa ra giải pháp phù hợp thực tiễn.

.Ông có khuyến nghị gì các cơ quan chức năng và với doanh nghiệp cần hành động ra sao trước bối cảnh lạm phát kỳ vọng tăng, nhất là việc điều tiết giá cả hàng hóa để chủ trương tăng lương có ý nghĩa?

+Doanh nghiệp cần đặc biệt xem xét quản lý chi phí chặt chẽ bao gồm tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lãng phí nguyên vật liệu. Bên cạnh đó là thương lượng giá cả và điều kiện thanh toán tốt hơn với các nhà cung cấp để giảm chi phí đầu vào.

hinh 5 2 2.jpg
Kiểm soát lạm phát tốt sẽ giúp các chỉ số tỉ giá, lãi suất ổn định để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Doanh nghiệp nên đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và điều chỉnh giá bán hợp lý.

Nếu tăng giá bán, doanh nghiệp xem xét tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ một cách hợp lý để bù đắp chi phí tăng cao, nhưng cần cân nhắc sức mua của khách hàng. Hoặc giới thiệu sản phẩm mới các sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị gia tăng cao để duy trì lợi nhuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần có kế hoạch phân tích và dự báo thị trường, liên tục cập nhật và phân tích các xu hướng kinh tế, chính sách tài chính và thị trường để đưa ra quyết định kịp thời, chuẩn bị các kịch bản dự phòng để ứng phó với các tình huống biến động của thị trường.

Thường xuyên cập nhật kịch bản lạm phát

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18-6-2024 về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể.

Các Bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát. Tính toán và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lộ trình điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý, nhất là điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh, khi có dư địa và điều kiện cho phép, với mức độ và thời điểm phù hợp, tránh dồn vào cùng một thời điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm