Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM đã thông tin về trường hợp một cá nhân lập tới 116 doanh nghiệp chỉ trong một thời gian ngắn từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024. Cục Thuế TP.HCM phát hiện trên hệ thống có dấu hiện bất thường nên đã mời lên nhưng người đại diện pháp luật cho 116 công ty này không lên.
Một cá nhân được lập nhiều doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, 116 công ty này đều chưa có hoạt động kinh doanh, chưa đăng ký xuất hóa đơn. Các công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, có nơi địa chỉ không đúng. Cá nhân đại diện pháp luật này lập 5 doanh nghiệp đăng ký địa chỉ tại quận 6, 22 doanh nghiệp ở quận Tân Bình, 15 doanh nghiệp ở quận Tân Phú.
Tại TP Thủ Đức, cá nhân này làm đại diện pháp luật 11 doanh nghiệp, 10 doanh nghiệp đăng ký ở quận 10 và quận 7, 9 doanh nghiệp ở quận 5. Còn lại ở các quận huyện khác của TP.HCM cá nhân này đứng đại diện pháp luật thành lập từ 2 - 5 doanh nghiệp.
"Hiện Cục Thuế đã gửi công văn cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị rà soát, đồng thời gửi văn bản cho công an", ông Dũng cho hay.
Đã bị khởi tố, bắt tạm giam
Ngày 28-6, thông tin với PLO, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết hiện nay quy định pháp luật không hạn chế số lượng cá nhân thành lập doanh nghiệp. Luật doanh nghiệp được triển khai theo nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”, cho nên sau khi các các nhân thành lập doanh nghiệp thì cơ quan quản lý sẽ tăng cường khâu hậu kiểm chặt chẽ.
Với trường hợp cá nhân thành lập 116 doanh nghiệp, sau khi các doanh nghiệp này cấp phép thành lập thì Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã nắm được thông tin. Đại diện pháp luật của 116 doanh nghiệp này cũng vào tầm ngắm của cơ quan công an TP.HCM liên quan đến đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Ngay sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã phối với với Công an TP.HCM thu thập thông tin, chứng cứ điều tra.
“Đến đầu tháng 5-2024, Công an TP.HCM đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng trong đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “rửa tiền”, “vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”. Cá nhân lập 116 doanh nghiệp bị bắt nằm trong đường dây tội phạm này là Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1990; thường trú huyện Hải Hậu, Nam Định)”- đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông tin.
Các đối tượng thuộc băng nhóm trên đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty “ma”, mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ cho hoạt động phạm tội này. Các đối tượng trên lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, từ đó thành lập công ty mạo danh để lấy tiền của doanh nghiệp khác bằng nhiều thủ đoạn tinh vi.
Cụ thể, các đối tượng này dùng phương thức xâm nhập vào email của các công ty đang trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế; tạo email giả có tên gần tương tự (chỉ khác một ký tự) với email công ty đối tác của bị hại để liên lạc, nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch.
Các đối tượng ở nước ngoài lại chỉ đạo các đối tượng ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ, sau đó cung cấp số tài khoản của công ty “ma” để bị hại lầm tưởng và chuyển tiền. Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ rồi chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam...