Mới đây, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc tạm ngừng hoạt động dự án Nhà máy bia Heineken Việt Nam - chi nhánh Quảng Nam.
Dù chỉ là nhà máy có công suất nhỏ nhất trong sáu cơ sở tại Việt Nam, nhưng động thái lần này của Heineken vẫn phản ánh những khó khăn của ngành bia đang đối mặt.
Trước đó, báo cáo tài chính của Tập đoàn Heineken (Hà Lan) thông tin, sản lượng bia toàn cầu của hãng giảm 4,7% chủ yếu do thị trường Việt Nam và Nigeria.
Bên cạnh thị trường phân phối, bán lẻ truyền thống, theo ghi nhận của nền tảng số liệu thị trường thương mại điện tử Metric.vn, kênh bán hàng trực tuyến của các nhãn hiệu bia thuộc Heineken sản xuất, cũng chứng kiến xu hướng sụt giảm mạnh mẽ.
Ghi nhận của PV cho thấy, trên hầu hết các sàn TMĐT, Heineken Việt Nam đều đăng ký gian hàng chính thức và bán các nhãn hiệu bia của hãng, trong đó có cả thức uống đại mạch Heineken 0.0 (bia không độ).
Trong báo cáo quý I-2024 của Metric cho biết, bất chấp doanh số bia có độ giảm thì doanh số bán dòng bia không độ của các hãng tăng gần 142% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, chỉ với 44 shop bán nhưng bia không độ mang về cho nhà bán hơn 168 triệu đồng, với 1,3 ngàn sản phẩm được bán ra trên các sàn TMĐT Shopee, Lazada, Tiki, Sendo.
Trong đó dòng bia không độ của Heineken là thương hiệu dẫn đầu về doanh số bán hàng, tiếp đến là các hãng như Bavaria, Sagota...
Ông Alexander Koch, Giám đốc Thương mại Cấp cao của Heineken Việt Nam từng kỳ vọng nhiều về dòng bia này khi nhận định thị trường bia không độ toàn cầu được dự báo vượt 25 tỉ USD vào năm 2024.
Động lực thúc đẩy sự tăng trưởng này chính là nhóm người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe cũng như quy định pháp luật mới nhất của Việt Nam chính thức cấm nồng độ cồn trong điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Dù vậy, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, rất có thể ngành bia vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn về sức tiêu thụ.