Nhiều ĐBQH tán thành cơ chế đặc thù cho TP.HCM

Tại phiên thảo luận hội trường ngày 20-11, tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí với dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển đặc thù cho TP.HCM và mong muốn TP sẽ là đầu tàu kéo cả nước đi lên.

Không phải chín muồi mà chín mõm rồi!

Là ĐBQH của tỉnh Đồng Nai nhưng ông Dương Trung Quốc có cách tiếp cận rất toàn diện theo cách nhìn về Sài Gòn-TP.HCM. “Cho đến thời điểm này có thể chúng ta yên tâm tìm được sự đồng thuận rất lớn của các vị ĐBQH khi đề cập tới việc thí điểm chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Có ĐB dùng khái niệm là “đã chín muồi” nhưng tôi cho rằng nó đã “chín mõm” rồi, điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa” - ĐB Dương Trung Quốc khẳng định.

Ở góc độ khác, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhìn tới giây phút nghị quyết này được tán thành thông qua và cho rằng: “Đó là chiến thắng của sự vượt lên trên tư duy cục bộ, bản ngã địa phương để hướng đến sự thống nhất trong tư duy phát triển, không chỉ riêng của TP.HCM mà trên hết đó chính là phát triển vì cả nước và cho cả nước”.

Bởi theo ĐB Nhân, dù làm ra nhiều của cải, vật chất đóng góp hơn 21% GDP của cả nước, 28% tổng thu ngân sách nhưng tỉ lệ điều tiết để lại cho TP ngày càng ít đi và nay là thấp nhất trong cả nước. “Mặc dù đó là trách nhiệm sẻ chia của TP nhưng ở chiều ngược lại dường như còn có gì đó thật chưa công bằng lắm với nhân dân TP, những người lẽ ra phải được nhiều hơn một ít từ những đóng góp của mình” - ĐB Nhân nói.

Dẫn ra tính toán của TP.HCM khi có cơ chế đặc thù thì giai đoạn 2021-2030 sẽ đóng góp thêm cho ngân sách nhà nước là 632.910 tỉ đồng, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) nhấn mạnh: “Vậy thì không có lý do gì chúng ta không tạo điều kiện cho TP thực hiện mục tiêu này”.

Theo ĐB này, nghị quyết tuy là thí điểm nhưng nó sẽ là cơ sở pháp lý vững chắc giúp cho cả nước hoàn thiện chính sách, ổn định và hiệu quả trong điều hành. “Bởi lẽ thời gian qua TP đã từng thí điểm nhiều vấn đề giúp đất nước hoàn thiện về chính sách kinh tế-xã hội, tư pháp và cả tổ chức bộ máy” - ông Phong nói.

Băn khoăn về đánh thuế tài sản, tăng phí

Góp ý cụ thể cho dự thảo đề án, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng các cơ chế, chính sách phát triển cho TP.HCM như Chính phủ trình là nhằm tăng cường tính hấp dẫn và khắc phục hạn chế trong thu hút đầu tư cho TP. Tuy vậy, nếu thuế tài sản được thí điểm áp dụng thì thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, lợi thế cạnh tranh của TP cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng theo.

ĐB Đặng Thuần Phong cũng cho rằng Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm đánh thuế tài sản chưa ổn về mặt lập pháp, bởi khi QH ban hành luật về thuế tài sản thì phải áp dụng cả nước. Mặt khác, ĐB Phong cũng lưu ý việc TP.HCM được cho phép mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bởi điều này, cùng với việc áp dụng một số phí, lệ phí chưa có trong danh mục... sẽ ảnh hưởng tới lợi thế cạnh tranh của TP.HCM.

ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) cũng góp ý: “Chính sách thuế, phí nên mở rộng đối tượng thu hơn là tăng mức thuế. Nguyên tắc đưa ra là phải đảm bảo ổn định xã hội, khuyến khích TP phát triển”.

Chính quyền đô thị cho TP.HCM?

Đây là một vấn đề dù không nhiều ĐB đề cập tại phiên thảo luận nhưng lại là vấn đề rất đáng chú ý. Bởi lẽ theo các ĐB, với các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù mà QH sẽ trao cho, TP.HCM sẽ chỉ có thể phát huy được hiệu quả tối đa nếu có một chính quyền đô thị (CQĐT) thực sự.

ĐB Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) là người đầu tiên đặt vấn đề này. Theo ĐB Quang, thực tế một số TP lớn đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến lĩnh vực xây dựng, giao thông, môi trường, quản lý đất đai, quản lý cư trú. “Đề nghị xem xét chủ trương sớm áp dụng bộ máy CQĐT thí điểm tại một số TP lớn, TP động lực của khu vực, TP có tính chất đặc biệt” - ĐB Quang nói.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng nếu có CQĐT thì TP.HCM sẽ tăng được quyền chủ động hơn nữa. Bởi cũng chính trên nền tảng CQĐT và cách mạng 4.0, “TP sẽ tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả của bộ máy công chức và viên chức”.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đồng tình với ĐB Kiên và đề nghị bổ sung thí điểm cho xây dựng về tổ chức bộ máy của các cơ quan giúp việc phù hợp với mô hình quản lý CQĐT. “Đây là đô thị đặc biệt” - ĐB Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Dẫn ra các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương để minh họa cho những bất hợp lý về tổ chức chính quyền ở đô thị loại 1 so với quy mô và tầm mức của TP.HCM, ĐB Nguyễn Tạo thậm chí còn cho rằng: “Thiết nghĩ chúng ta thiết kế một điều luật cho rộng hơn để cho TP.HCM thực hiện được đặc thù”.

Thử thách lớn đối với TP

TP.HCM có những thành quả và đóng góp ngày càng nhiều cho cả nước, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân TP đều do Trung ương, Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ nhiều vướng mắc kịp thời để TP phát triển. Thành quả ấy là kết tinh từ sự hy sinh, tính mạng, xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Hiện nay các tỉnh, thành trên cả nước cũng đều hỗ trợ TP.HCM phát triển rất nhiều…

Đảng bộ, nhân dân, chiến sĩ TP.HCM luôn cố gắng, ý thức rằng đó không chỉ là sự đóng góp của nhân dân TP mà còn là trách nhiệm, nghĩa tình của TP với cả nước.

Nghị quyết này là một thử thách lớn đối với TP.HCM. Cả nước đã vì TP thì TP cũng phải vì cả nước để thí điểm thành công.

ĐB NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Chủ tịch HĐND TP.HCM

Cả nước sẽ được hưởng lợi

TP.HCM đã và đang là một trung tâm kinh tế lớn nhất và mang ý nghĩa đầu tàu của cả nước. GDP của TP chiếm 1/5 GDP của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP cao gấp 1,6 lần so với tốc độ của cả nước. Số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn của TP chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp trong cả nước. TP có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Chúng tôi mong muốn QH ủng hộ thông qua nghị quyết nhằm tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP và thu ngân sách cho cả nước. Khi đó không chỉ TP được lợi mà cả nước nói chung cũng sẽ được hưởng lợi.

Ông ĐINH TIẾN DŨNG,  Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm