Ngày 3-11, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM phối hợp với tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong.
Diễn đàn sự tham gia của 400 đại biểu, đặc biệt là sự góp mặt của 120 doanh nhân trực tiếp đến từ Nhật Bản, kinh doanh trong các lĩnh vực xây dựng thương mại dịch vụ... và 30 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp Nhật bản đang đầu tư tại TP.HCM.
Có 400 đại biểu tham gia diễn đàn.
Nói về xu hướng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, ông Takimoto Koji Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiếnhthương mại Nhật bản (Jetro) tại TP.HCM, cho biết: Hiện tại nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất về Cần Thơ.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, các doanh nghiệp chọn đến Cần Thơ chủ yếu vì phí nhân công thấp hơn nhiều so với TP.HCM. Đội ngũ nhân công vùng ĐBSCL trẻ, năng động, lại được đào tạo cơ bản tốt. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM có xu hướng chuyển nhà máy đến đóng tại Cần Thơ.
Tuy nhiên, có vấn đề đang khiến các doanh nghiệp bàn luận sôi nổi và e ngại là vấn đề xử lý các bồn thải vì luật pháp Việt Nam quy định rất chặt chẽ về môi trường. Và chúng tôi mong muốn sắp tới đây sẽ có nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường để các doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn” - ông Takimoto Koji cho biết.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham quan khu trưng bày sản phẩm của Việt Nam.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Chủ tịch VCCI, đã trình bày giới thiệu về những tiềm năng, cơ hội để Nhật Bản đầu tư vào vùng ĐBSCL. Theo ông Lam, ĐBSCL có tám đặc điểm nổi bật xứng đáng là vùng đất mới cho nhà đầu tư Nhật Bản.
Lợi thế lớn nhất của ĐBSCL là tăng trưởng cao liên tục nhiều năm, có mức tăng trưởng cao hơn cả nước. Lực lượng lao động dồi dào, dân số khoảng 17,7 triệu nhưng có trên 11 triệu đang tuổi lao động, chi phí lao động sản xuất thấp.
Ngoài ra, với dân số khá đông, thu nhập bình quân đầu người vùng đang gia tăng cao, đây là một điểm thuận lợi cho nhà đầu tư. Đặc biệt, đối với Cần Thơ có chỉ số bán lẻ tiêu dùng đứng đầu cả nước, người dân sẵn sàng chi tiêu với số lượng rất lớn.
Môi trường đầu tư thuận lợi, đây là khu vực có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất trong sáu vùng cả nước, có năm tỉnh nằm trong tốp 10. Chỉ số gia nhập thị trường luôn đứng đầu nước. Nói về cơ sở hạ tầng thì hiện tại ĐBSCL đang được đầu tư, phát triển và có đầy đủ điều kiện để thu hút đầu tư.
Vùng ĐBSCL là vùng sản xuất nông-thủy sản trọng điểm cả nước sẽ tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào việc sản xuất, chế biến nông, thủy hải sản. Bên cạnh đó, hiện nay ĐBSCL đang phát triển nhiều lĩnh vực mới tiềm năng, thuận lợi cho nhà đầu tư Nhật Bản như: giao thông, điện, năng lượng điện gió (ĐBSCL có lượng điện gió tốt nhất), viễn thông, logistics, nước sạch, y tế, giáo dục, chế biến thực phẩm chất lượng cao, hệ thống canh tác nông nghiệp kỹ thuật thông minh trong trồng trọt, chăn nuôi, giải pháp công nghệ ICT, bất động sản nghỉ dưỡng...
Và cuối cùng, trước nay biến đổi khí hậu được xem là một điều bất lợi có ảnh hưởng lớn đến vùng ĐBSCL, tuy nhiên nhìn ở một góc độ khác, đây lại là cơ hội để nhà đầu tư khai thác...
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng luôn xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược. Thời gian qua TP Cần Thơ có mối quan hệ hợp tác, giao thương với nhiều địa phương và đơn vị, doanh nghiệp Nhật Bản. Mối quan hệ giữa Cần Thơ và Nhật Bản còn thể hiện qua các công trình giao thông do Nhật Bản tài trợ, điển hình là cầu Cần Thơ đã góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của Cần Thơ mà còn cả vùng ĐBSCL”. Ông Võ Thành Thống cho biết: Năm 2017, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam với con số kỷ lục trên 9 tỉ đôla Mỹ và trong chín tháng đầu năm 2018, Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 7 tỉ USD, chiếm gần 28% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Trên địa bàn TP Cần Thơ có 7/80 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 12 triệu đôla Mỹ. Theo VCCI, tính đến tháng 10-2018, vùng ĐBSCL đã thu hút 169 dự án FDI Nhật Bản với tổng đăng ký tương đương 2.213,8 triệu USD, chiếm 10,5% trong tổng vốn FDI chung của toàn vùng. Trong sáng nay, 13 địa phương vùng ĐBSCL đã gửi 63 dự án mời gọi đầu tư. |