Đây là chuyến bay đầu tiên trực tiếp từ Tokyo đến TP Cần Thơ đưa các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư và tham dự Chương trình giao lưu văn hóa thương mại Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 4 tại TP Cần Thơ diễn ra từ ngày 1 đến 4-11.
Chuyến bay charter trực tiếp từ Tokyo hạ cánh đến sân bay quốc tế TP Cần Thơ.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách VCCI Cần Thơ, trong thời gian qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài của Nhật đang được đẩy mạnh vào Việt Nam, trong đó ĐBSCL cũng là điểm đến.
Việt Nam đã thu hút được đầu tư từ Nhật Bản về các lĩnh vực công nghệ cao, chế biến thực phẩm, chế biến nông sản. Bên cạnh đó người Nhật hiện có các thế mạnh về công nghệ, truyền thông, xây dựng, giao thông..., đây hầu hết là những lĩnh vực rất mới với ĐBSCL.
Vì thế phải làm sao để các nhà đầu tư Nhật Bản thấy được tiềm năng của vùng ĐBSCL mà từ trước đến nay doanh nghiệp Nhật chưa biết đến.
Những vị khách Nhật bước xuống từ máy bay.
Theo ông Lam, trước đây ĐBSCL còn hạn chế về hệ thống giao thông đường bộ cùng các hạ tầng khác. Để đáp ứng được nhu cầu đầu tư từ nước ngoài thì chúng ta cũng đã nỗ lực trong thời gian dài.
Các doanh nghiệp Nhật họ luôn tìm những thị trường có điều kiện, lợi thế và hiện nay điều kiện hạ tầng tốt hơn, giao thương tốt hơn. "Chúng ta tin chắc rằng sẽ thu hút được sự quan tâm và đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản” - ông Lam khẳng định.
Các vị khách đầu tiên trong chuyến bay thẳng từ Nhật Bản sang Cần Thơ.
Là một trong những doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam lần này, ông Kondo Norihiko, Chủ tịch một công ty tái chế ô tô tại Nhật Bản, đánh giá: Số lượng ô tô ở Việt Nam, trong đó có Cần Thơ đang tăng dần lên.
Ông hy vọng có thể áp dụng kỹ thuật của Nhật để tái chế sử dụng những xe hơi cũ không sử dụng nữa. Đặc biệt, theo ông Kondo Norihiko, những sản phẩm tái chế này không chỉ sử dụng ở Cần Thơ mà còn có thể xuất khẩu đi nước ngoài.