Nhiều dự án du lịch ở Bình Thuận đầu tư cầm chừng chờ tăng giá để đầu cơ

(PLO)- Việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Bình Thuận còn dễ dãi, nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ TN&MT, vừa ký thông báo kết luận việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Nhiều dự án chuyển mục đích không đúng

Đoàn kiểm tra của Tổng cục quản lý đất đai đã kiểm tra 47 dự án trên địa bàn năm địa phương ở Bình Thuận gồm: TP Phan Thiết; thị xã La Gi; các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Tuy Phong. Kết quả có đến 21/47 dự án, với diện tích hơn 360 ha vi phạm không đưa đất vào sử dụng, trong đó có nhiều dự án vi phạm trên 10 năm.

Mũi Né là nơi nhiều chủ đầu tư đến đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh PN.

Mũi Né là nơi nhiều chủ đầu tư đến đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng. Ảnh PN.

19/47 dự án, với diện tích 285 ha chưa thực hiện đúng tiến độ đầu tư theo dự án đã được phê duyệt. Nhiều dự án đã chuyển nhượng theo hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong pháp nhân của chủ đầu tư, thay đổi chủ đầu tư (như Dự án Khu du lịch Thu Hằng, Dự án Khu du lịch Hòn Lan, Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton…).

Nhiều dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; chưa thực hiện nộp tiền gia hạn tiến độ sử dụng đất. Có một dự án sử dụng một phần diện tích đất sai mục đích là dự án Khu nhà hàng - Dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang (phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết) chủ đầu tư là Công ty TNHH Du lịch và Vận tải Phương Trang.

Nhiều dự án có sử dụng đất đã hết tiến độ đầu tư nhiều năm (có dự án trên 15 năm), vi phạm không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất nhưng UBND tỉnh, Sở KH&ĐT tỉnh vẫn cho điều chỉnh, gia hạn tiến độ đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mới (dự án Khu du lịch Minh Sơn, Khu du lịch Thành Hưng, Khu du lịch Ngọc Khánh, Khu du lịch E DEN, Khu du lịch Thu Hằng …).

Việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại một số dự án không đúng quy định như cho chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa có dự án được phê duyệt hoặc dự án đã hết hạn tiến độ đầu tư khi chủ đầu tư đang vi phạm pháp luật đất đai không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất như: Dự án Sentosa Villa, Khu du lịch sinh thái Whale Hill, Khu du lịch Minh Sơn…

Cho phép gia hạn tiến độ đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư nhiều lần, trong khi dự án chưa triển khai đầu tư xây dựng (Dự án Khu du lịch sinh thái Delverton đã 8 lần điều chỉnh tiến độ đầu tư nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chậm, không đưa đất vào sử dụng).

Dự án Delverton đã 8 lần điều chỉnh nhưng vẫn còn nằm trên giấy.

Dự án Delverton đã 8 lần điều chỉnh nhưng vẫn còn nằm trên giấy.

Chậm, chưa xử lý đối với các dự án đã hết thời gian cho gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng (như Khu du lịch The Balé - Mũi Né, Dự án Resort & Hotel Lamuine, Khu du lịch sinh thái Whale Hill, Dự án Khu du lịch Eden Hàm Tân, Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân...).

Đầu tư cầm chừng để sang nhượng dự án

Việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án đầu tư để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại, bất cập và lãng phí, đặc biệt trong các dự án thương mại, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng.

Cụ thể có 150 dự án với diện tích hơn 1.300 ha không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, thời gian thực hiện dự án kéo dài (xin được đất xong bỏ trống, không đầu tư xây dựng công trình trên đất, nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng trên 10 năm) không đem lại hiệu quả kinh tế, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận, nhân dân.

Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ du lịch còn dễ dãi, chưa chặt chẽ; việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa kịp thời, kiên quyết, chưa đúng quy định của pháp luật; chậm thực hiện thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện cho các dự án triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng.

Việc để xảy ra tình trạng các dự án được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để đất hoang hóa, bỏ trống, lãng phí có nguyên nhân chính thuộc lỗi chủ quan, trách nhiệm trước hết thuộc các chủ đầu tư thực hiện dự án.

Sau đó là có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bình Thuận. Cụ thể nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực về tài chính, về nhân lực, về chuyên môn thực hiện dự án đầu tư; không có ý định đầu tư nghiêm túc, chỉ đầu tư cầm chừng để đầu cơ đất đai, chờ tăng giá, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; không tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng...

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên, kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát thống kê, cập nhật thông tin quản lý đối với các dự án chậm (nhất là giai đoạn từ sau khi có Luật Đất đai 2013 đến khi có Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2018 gần như không thực hiện).

Tại huyện Bắc Bình có đến 8 dự án vi phạm.

Tại huyện Bắc Bình có đến 8 dự án vi phạm.

Chưa thực hiện hết trách nhiệm để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng.

Nhiều nội dung còn vướng mắc như việc lập, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; việc xác định và công bố ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; xác định, khoanh vùng khu vực khai thác khoáng sản...

Nhiều thủ tục còn chậm trễ như điều chỉnh, gia hạn dự án đầu tư, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, cấp phép xây dựng… Chưa kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thỏa thuận bồi thường, giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp khiếu kiện về đất đai, xử lý các hành vi lấn, chiếm đất của các hộ dân.

Chưa tích cực tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các dự án có vi phạm. Nhiều dự án hết hạn đã lâu (trước cả Luật Đất đai 2013) nhưng chậm, chưa bị kiểm tra, xử lý, chưa thực hiện việc công bố công khai đối với sai phạm của các dự án…

Trách nhiệm chung thuộc về UBND tỉnh Bình Thuận; Sở TN&MT (trong lĩnh vực đất đai), Sở KH&ĐT (trong lĩnh vực đầu tư); của Sở Xây dựng (trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng); UBND cấp huyện, xã trong việc kiểm tra, phát hiện, đề xuất xử lý các sai phạm, phối hợp với chủ đầu tư để giải phóng mặt bằng, giải quyết tranh chấp đất đai, xử lý các hộ dân lấn, chiếm đất đai.

Đoàn kiểm tra kiến nghị xem xét lại việc điều chỉnh, gia hạn tiến độ của các dự án đầu tư, xem xét chấm dứt hoạt động một số dự án đầu tư, xem xét lại quyết định cho gia hạn sử dụng đất, xem xét thu hồi đất ngay đối với một số dự án; thực hiện công bố công khai danh sách các dự án có vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Tổng cục quản lý đất đai, của Bộ TN&MT.

Đối với UBND tỉnh Bình Thuận, chỉ đạo rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý ngay đối với các dự án chậm triển khai mà chưa tổ chức tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các dự án chậm theo quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng các dự án chây ì, chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng mà các cơ quan nhà nước không xử lý chấm dứt dự án đầu tư hoặc thu hồi đất (67 dự án).

Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với các đơn vị, cá nhân liên quan do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng…để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm. Đồng thời chỉ đạo, khắc phục ngay các sai phạm trong từng dự án; kiên quyết chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án có nhiều sai phạm, để tồn tại lâu không đưa đất vào sử dụng.

Đoàn kiểm trang yêu cầu UBND tỉnh không tiếp tục để xảy ra tình trạng cho điều chỉnh gia hạn tiến độ đầu tư dự án; gia hạn sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc các chủ đầu tư dự án chậm triển khai; đầu tư cầm chừng mang tính chất đối phó nhằm kéo dài thời gian để đầu cơ, chuyển nhượng dự án không đúng với mục đích mục tiêu ban đầu của dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm