Nhiều dự án lớn làm thay đổi diện mạo khu Nam TP.HCM

(PLO)- Các dự án trọng điểm của khu Nam TP.HCM đang được tăng tốc thi công và kêu gọi đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khu đô thị Nam TP.HCM (khu Nam) có diện tích gần 3.000 ha, gồm một phần quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và giáp ranh với tỉnh Long An. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng hạ tầng giao thông kết nối hiện hữu đang thiếu trầm trọng. Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (Ban giao thông), trong năm năm tới, diện mạo khu vực này sẽ khởi sắc nhờ hàng loạt dự án giao thông hoàn thành và đưa vào khai thác.

Chật vật đường vào trung tâm TP.HCM

Theo ghi nhận của báo Pháp Luật TP.HCM, hiện nay từ khu Nam TP có ba trục đường chính kết nối với trung tâm TP gồm: Nguyễn Tất Thành - Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ và Phạm Hùng. Tuy nhiên, hiện nay tất cả tuyến đường trên đều quá tải. Người dân lưu thông từ khu Nam qua khu vực trung tâm TP khá chật vật vì đường thường xuyên bị ùn tắc.

Đường Nguyễn Văn Linh hiện là tuyến giao thông huyết mạch của quận 7. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đường Nguyễn Văn Linh hiện là tuyến giao thông huyết mạch của quận 7. Ảnh: ĐÀO TRANG

Anh Nguyễn Văn Vũ cho biết nhà anh ở huyện Nhà Bè nhưng văn phòng làm việc tại quận 1. Mỗi ngày anh Vũ phải dậy sớm đi làm để tránh giờ cao điểm. “Một là phải đi sớm hơn, hai là phải đi thật trễ. Chẳng may ngày nào đi đúng giờ tan tầm thì phải mất ít nhất 30 phút mới đi qua được 2 km đường Nguyễn Tất Thành (quận 4)” - anh Vũ nói.

Ông Phạm Việt Anh (ngụ quận 7) cho biết từ quận 7 vào quận 1 chưa tới 5 km, song ngày nào ông cũng mất ít nhất 45 phút mới có thể di chuyển vào trung tâm TP. Ông Việt Anh nhận thấy gần đây một số dự án như xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quốc lộ 50 hay mở rộng cầu Kênh Tẻ đang được triển khai. Tuy nhiên, theo ông Việt Anh, những dự án trên thực sự là chưa đủ với một đô thị lớn gần 3.000 ha như khu Nam TP.

Chật vật hơn là khu vực huyện Nhà Bè khi đô thị phát triển quá nhanh, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp. Anh Đào Văn Giang (ngụ huyện Nhà Bè) cho biết nhiều năm nay khu vực Lê Văn Lương đã quá tải, trong khi tuyến đường này thường xuyên bị ngập, ùn ứ khi hàng loạt dự án chung cư, nhà ở mọc lên khiến cả khu vực bị tắc tị.

“Tôi chỉ mong đường Lê Văn Lương được mở rộng, các cây cầu trên đường Lê Văn Lương như Rạch Dơi, Rạch Đỉa, Rạch Tôm sớm được khơi thông. Bên cạnh đó, TP cũng sẽ sớm hoàn thành cầu đường Bình Tiên, mở ra những con đường mới để tăng sự kết nối với khu Nam TP” - anh Giang nói.

Khu Nam sẽ thay đổi vào năm năm tới

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, nhận định khu Nam TP có tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong khi hạ tầng giao thông không kịp đáp ứng.

Thời gian qua, TP.HCM đã mời gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm nhằm tăng sự kết nối vùng giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, giữa huyện Nhà Bè, quận 7, huyện Cần Giờ, đặc biệt là khu Nam vào trung tâm TP.

Ông Phúc điểm một số công trình tiêu biểu như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, cầu đường Bình Tiên… Theo ông Phúc, đây cũng chính là những dự án trọng điểm được đưa vào mời gọi đầu tư từ cơ chế mới từ Nghị quyết 98. Hiện Sở GTVT TP.HCM, Ban giao thông và các đơn vị liên quan sẽ tiến hành các thủ tục, tăng cường mời gọi đầu tư.

“TP.HCM đã mời gọi đầu tư nhiều dự án trọng điểm nhằm tăng sự kết nối vùng giữa quận 7 và huyện Nhà Bè, giữa Nhà Bè, quận 7, huyện Cần Giờ, đặc biệt là khu Nam vào trung tâm TP.”

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đang cùng với các địa phương triển khai nhiều dự án trọng điểm như xây dựng mới cầu Rạch Tôm, Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè - quận 7 và mở rộng đường Lê Văn Lương.

Ngoài ra, theo ông Phúc, TP.HCM và tỉnh Long An sẽ điều chỉnh quy hoạch giữa hai địa phương sao cho phù hợp và tăng sự kết nối. Đây cũng là một trong những đầu mối giao thông trọng điểm mà TP.HCM và tỉnh Long An đã ký kết để sớm triển khai và xây dựng.

“Các dự án trọng điểm này sẽ góp phần tăng năng lực thông hành, tăng sự kết nối liên vùng giữa TP.HCM với Long An và các địa phương liên vùng” - ông Phúc nhận định.

Đối với các trục đường mới, ông Phúc cho biết TP sẽ tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ; tuyến 15B (kết nối quận 7 và huyện Nhà Bè), đây cũng là trục kết nối với cầu Cần Giờ.

Cùng với đó là dự án cầu đường Bình Tiên, dự án này có điểm đầu tại điểm giao nhau giữa đường Bình Tiên với đường Phạm Văn Chí (quận 6) và điểm cuối tại đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh). Tổng chiều dài hơn 3,2 km, rộng 30-40 m.

“Cầu đường Bình Tiên sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một trục bắc - nam mới mà lâu nay TP rất kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông giữa cửa ngõ phía nam với trung tâm TP” - ông Phúc nhấn mạnh.

Đặc biệt, hai dự án sau đây sẽ mở ra hai cửa ngõ kết nối mới, giúp khu Nam liên kết mạnh hơn với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ĐBSCL. Đó là dự án Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh. Dự án này sẽ kết nối trực tiếp với cao tốc Bến Lức - Long Thành thông qua nút giao ở cuối tuyến. Cũng từ đây mở ra sự kết nối giữa các tuyến vành đai 3, Quốc lộ 50 và cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thứ hai, nút giao ở cuối tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ với cao tốc Bến Lức - Long Thành. Theo ông Phúc, tới đây phía nam TP sẽ có hai cửa ngõ tiếp cận vào cao tốc Bến Lức - Long Thành và kết nối với đường vành đai 3 TP.HCM. Lúc này, từ khu Nam TP sẽ kết nối với miền Tây, ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và cả tỉnh Tây Ninh thông qua cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.

“Hiện các dự án đang được mời gọi đầu tư và tiến hành khởi công, hoàn thành trong giai đoạn tới. Như vậy, khoảng năm năm tới, diện mạo đô thị khu Nam TP sẽ thay da đổi thịt rất nhanh cùng với quá trình phát triển các dự án hạ tầng giao thông” - ông Phúc nhận định.•

Tăng tốc nhiều dự án trọng điểm

Ông Phúc cho biết hiện nay Ban giao thông đang nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án giao thông để góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện đi lại cho người dân ở khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và khu Nam TP. Cụ thể như dự án cầu Long Kiểng, cầu Vàm Sát 2 sẽ tiến hành thông xe vào dịp 2-9.

Đặc biệt, dự án Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ hiện các vướng mắc đã được TP và các đơn vị tháo gỡ, đang đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến ngày 30-4-2024 sẽ thông xe nhánh hầm HC2 và phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ thông xe nhánh hầm HC1.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm