Hôm 4/11, cảng Cát Lái đã có cuộc họp với các hãng tàu liên quan đến nhiều thông báo từ nhiều cảng tại Mỹ và Liên minh Châu Âu, áp lệnh ngưng vận chuyển container lạnh. Trong cuộc họp này, đại diện các hãng tàu ở Việt Nam đã thống nhất yêu cầu chỉ định một giám định nước ngoài có uy tín kết hợp với cơ quan trong nước để kiểm tra và đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân xảy ra các vụ nổ container lạnh này.
Hồi cuối tháng 10, Trung tâm điều độ Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã nhận được các thông báo từ một số hãng tàu ngoài về việc tạm dừng PTI (kiểm tra tình trạng kỹ thuật), sửa chữa tại cảng Cát Lái, hoặc không cho phép cảng thực hiện việc sửa chữa liên quan đến gas của các container lạnh.
Nguyên nhân là đã xảy ra một số vụ nổ container lạnh (dùng vận chuyển hàng đông lạnh xuất khẩu như thủy sản...) xuất xứ từ Việt Nam. Vào tháng 4, hai container của một hãng tàu nước ngoài đã nổ tại cảng Tân Cảng - Cát Lái làm một người chết và 6 người bị thương. Cả hai container này đều xảy ra sự cố sau khi cắm điện vận hành PTI khoảng 15-20 phút. Nguyên nhân nổ được xác định là do gas có lẫn tạp chất.
Vào tháng 10, một container rỗng lạnh của một hãng tàu khác đang nạp gas PTI tại Trung Quốc. Tiếp theo là một vụ nổ khác xảy ra trên cảng Brazil. Hãng tàu xác định các container này đóng hàng ở Việt Nam.
Container trên đường vào cảng Cát Lái. Ảnh: An Nhơn.
Từ những vụ nổ container lạnh xuất đi từ Việt Nam này, một số cảng biển, hãng tàu tại Mỹ, Liên minh Châu Âu bắt đầu khắt khe với container Việt. "Chúng tôi được thông báo tình trạng nghiêm trọng liên quan đến các container lạnh sử dụng tại Việt Nam khi thay gas nhiễm bẩn vào hệ thống lạnh. Các hãng tàu vui lòng kiểm tra container lạnh sử dụng tại Việt Nam trong 3 tháng qua'', cảng Huchison của Anh thông báo công khai trên website. Hiệp hội hàng hải Thái Bình Dương cũng nhìn nhận hệ quả là các container lạnh từ Việt Nam bị cảng, hãng tàu ngoại cách ly và kiểm tra chặt, khiến thời gian vận chuyển kéo dài, chi phí tăng cao. Theo Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (Visaba), hiện nay chính quyền cảng biển của Mỹ và liên minh Châu Âu đã gây sức ép cho các hãng tàu gần như đồng loạt ngưng vận chuyển container sử dụng dịch vụ kỹ thuật lạnh tại Việt Nam. "Từ sự cố nổ container lạnh tưởng như chỉ giới hạn trong phạm vi một cảng tại TP HCM nhưng đã lan tỏa và ảnh hưởng rộng, Việt Nam đang thiệt hại rất nhiều", đại diện Visaba khẳng định. "Các hãng tàu đã chuyển hướng sử dụng dịch vụ kiểm tra container lạnh ở nước ngoài, ví dụ tàu đi Mỹ sẽ ghé cảng Hong Kong kiểm tra lạnh thay vì làm ở Việt Nam như trước đây", đại diện Visaba cho biết. Mất khách hàng, tính trung bình Việt Nam mất khoảng 15-20 USD mỗi container phải kiểm tra lạnh. Đại diện Visaba cho rằng cần kiểm tra lại tiêu chuẩn của các bên cung cấp gas cho hãng tàu đã để xảy ra nổ. "Nếu cơ quan chức năng Việt Nam không đưa ra được kết luận và giải pháp cụ thể thì có khả năng container lạnh bị đưa vào danh sách "đen" hoặc gây mất an minh cảng kể cả tại các cảng chuyển tải. Lúc đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam", đại diện một hãng tàu Nhật Bản cảnh báo. Ông Ngô Minh Thuấn, Phó tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn cam kết sẽ sử dụng đúng loại gas theo yêu cầu của từng hãng tàu, từ các nhà cung cấp chính thức, có nguồn gốc và chứng chỉ rõ ràng. Về lâu dài, Tân Cảng Sài Gòn sẽ thực hiện chức năng nhập khẩu gas trực tiếp từ nước ngoài. Từ giữa tháng 11, Tân Cảng bắt đầu sử dụng máy kiểm tra chất lượng gas để giám sát, thẩm định thường xuyên gas trước khi nạp vào các container.
Theo Kiên Cường ( VNE)