Giá một số loại thuốc ở nhà thuốc bệnh viện cao hơn giá thị trường, ngay cả thuốc đã qua đấu thầu. Tiến sĩ Thụ khẳng định: “Việc tăng giá bất hợp lý từ 150 – 300% một số loại thuốc trong số khoảng 500 loại thuốc thông dụng tại một số bệnh viện (dù đã qua đấu thầu) là có thật và đã được một số bệnh viện xác nhận”.
Việc giá thuốc tăng làm người bệnh chịu khổ, ngành bảo hiểm cũng kêu trời. Giá thuốc vênh nhau khiến bảo hiểm xã hội than: hàng năm quỹ bảo hiểm y tế chi trả tiền thuốc cho các bệnh viện khoảng 5.000 tỉ đồng. Ông Trần Quốc Toàn, giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An cho biết, sự gia tăng chi phí thuốc chiếm tỷ trọng lớn, từ 60 – 70% chi phí vượt quỹ. Ví dụ năm 2008 chi phí thuốc bảo hiểm y tế ở Nghệ An là 176,379 tỉ đồng thì năm 2009 vừa qua tăng lên 283,720 tỉ đồng. Mặc dù giá thuốc trúng thầu các năm không có sự biến động lớn song nhiều cơ sở y tế lựa chọn thuốc có giá cao cung ứng, chỉ định sử dụng; sử dụng nhiều biệt dược không cần thiết…
Cục trưởng cục Quản lý dược Trương Quốc Cường thừa nhận giá thuốc ở trong nước bình ổn nhưng ở mức cao vì phải tuân thủ theo các quy luật cung cầu như các hàng hoá khác trên thị trường, khi thị trường biến động tăng, giảm thì giá thuốc cũng biến động theo. Ngoài ra ngành dược của Việt Nam nhập khẩu 90% nguyên liệu. Việc bình ổn giá thuốc không phải sử dụng các biện pháp hành chính mà phải đảm bảo sự bình ổn chung.
Theo ông Cường, luật Dược năm 2005 đã có một số bất cập nên thời gian tới sẽ sửa đổi cho phù hợp với điều kiện hiện tại. Theo đó, cần tập trung kiểm soát giá 100 – 200 hoạt chất có số lượng người sử dụng lớn, điều trị những bệnh thiết yếu nhất, thuốc bị độc quyền, bị làm giá...
Hiện nay theo quy định của Pháp lệnh giá và luật Dược, Nhà nước quản lý giá theo nguyên tắc các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán thuốc tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Trên thực tế, các doanh nghiệp khi nhập khẩu thuốc chỉ khai báo giá CIF (giá của hàng hoá nhập khẩu tính tại biên giới hải quan của nước nhập khẩu trước khi đóng bất kỳ loại thuế nhập khẩu hay thuế khác đánh vào hàng nhập khẩu) với cơ quan hải quan rồi đưa ra thị trường bán. Giá CIF mà doanh nghiệp khai báo cũng không được kiểm chứng. Điều này đã tạo kẽ hở để doanh nghiệp hợp lý hoá giá thuốc ở mức cao.
Qua khảo sát một số loại thuốc tại bệnh viện cho thấy: thuốc Human Albumin 20%, 100ml tại bệnh viện Phụ sản Trung ương giá bán là 1.627.500 đồng/hộp, trong khi giá CIF tương đương 950.000 đồng, mức chênh là 677.500 đồng/hộp. Hemofil M, 250 UI giá bán tại bệnh viện Nhi Trung ương là 2.000.000 đồng/hộp, giá nhập khẩu tương đương 1.368.000 đồng/hộp, mức chênh lệch là 632.000 đồng/hộp. Thuốc Solian 200mg giá nhập khẩu là 22.600 đồng/viên, giá bán tại bệnh viện Bạch Mai là 29.439 đồng/viên. Thuốc Asadin 10mg/10ml giá bán tại một số bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM là 768.900 đồng/chai, giá nhập khẩu tương đương 498.750 đồng, mức chênh lệch là 270.000 đồng/chai… |
Theo Lệ Hà (SGTT)