Nhiều năm liền Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

(PLO)- Việc chống khai thác bất hợp pháp, thực hiện các quy định để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân, gắn liền với quyền lợi lâu dài của ngư dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, cho hay từ năm 2019 đến nay, tỉnh này không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Đây là nỗ lực rất lớn của ngư dân, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên trong việc chống khai thác bất hợp pháp.

Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, đến nay đã có 96% trong hơn 660 tàu cá có chiều dài 15 m trở lên ở tỉnh này được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị này chủ yếu do tàu không đủ khả năng sản xuất hoặc liên quan xử lý do nợ ngân hàng.

“Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp cho cơ quan chức năng kiểm soát hiệu quả các hoạt động của tàu cá khi khai thác trên biển; ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài”- ông Minh nói.

Ghi nhận tại cảng cá Đông Tác, TP Tuy Hòa- cảng có nhiều tàu đánh bắt xa bờ ra vào nhất ở Phú Yên, việc kiểm soát, thực hiện thủ tục xuất cảng rất nghiêm túc. Lực lượng biên phòng phối hợp Ban Quản lý cảng cá Đông Tác kiểm tra đầy đủ việc khai báo số lượng thuyền viên, giấy phép khai thác, thiết bị giám sát hành trình… Các chủ tàu đảm bảo các điều kiện theo quy định tàu mới được xuất cảng.

Nhiều ngư dân ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) nói việc chống khai thác bất hợp pháp, thực hiện các quy định để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân. Bởi việc này gắn liền với quyền lợi lâu dài của ngư dân.

Theo nhiều ngư dân, trong việc thực hiện các quy định, việc lắp đặt, vận hành đúng quy định thiết bị giám sát hành trình là rất quan trọng, để cơ quan chức năng kiểm soát, giúp các tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Trần Kim Sơn, chủ tàu cá ở phường Phú Đông, Tuy Hòa, chia sẻ: “Thiết bị giám sát hành trình trên tàu của tôi bị hỏng do giông sét gây chập điện. Khi về đến đất liền, tôi đề nghị cơ quan chức năng lắp đặt thiết bị mới ngay cho tàu cá của tôi. Thiết bị này giúp cơ quan chức năng kiểm soát, cho phép tàu cá tiếp tục khai thác theo lịch trình. Chính vì thế, chúng tôi luôn thực hiện vận hành thiết bị theo đúng quy định, không bao giờ tự ý ngắt kết nối”.

Ông Đào Quang Minh cho biết tỉnh này đang hướng đến việc ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản bằng hình thức điện tử để ngư dân thuận tiện, cơ quan chức năng dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này cần có nguồn kinh phí, đào tạo, máy móc, thiết bị…

Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cập cảng sau thời gian đánh bắt xa bờ. Ảnh: TẤN LỘC
Tàu khai thác cá ngừ đại dương của ngư dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên cập cảng sau thời gian đánh bắt xa bờ. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển ngành khai thác hải sản tỉnh này.

“Tỉnh đã chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, nhất là cấp xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm vùng biển nước ngoài và xác định đó mới là khai thác thủy sản bền vững, lâu dài”.

UBND tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra tàu cá cập và rời cảng, xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo khai thác theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm