Nhiều ngân hàng 'run tay' khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm?

(PLO)- Chuyên gia kinh tế cho rằng nếu NHNN chờ đến cuối năm khi biết lạm phát “êm rồi” mới quyết định nới room tín dụng thì quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quan điểm trên được TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính đưa ra tại toạ đàm "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới" do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 24-8.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận?

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết: Sau đợt dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã rời bỏ thị trường, chủ yếu do thiếu vốn và không thể tiếp cận vốn.

Nguồn vốn bấy lâu nay các DNNVV mong muốn tiếp cận là vốn ngân hàng nhưng hầu như doanh nghiệp không tiếp cận được bởi ngân hàng yêu cầu có tài sản thế chấp nhưng DNNVV không có.

Cạnh đó, dù có báo cáo tài chính từ 2-3 năm liền có lãi nhưng qua dịch, DNNVV không có lãi nên hồ sơ tài chính không đảm bảo, không vay được vốn tín dụng ngân hàng. DNNVV phải làm kế hoạch để chứng minh dòng tiền đó có thể trả nợ nhưng thị trường bấp bênh thế này DNNVV rất khó để thực hiện được việc này.

Do đó, ngay cả khi Nhà nước hỗ trợ 2% lãi suất thì cũng có rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận. Ngoài qui định cho vay nghiêm ngặt, thì trong giai đoạn hiện nay khi mà room tín dụng của các ngân hàng đã cạn kiệt thì dù doanh nghiệp đủ điều kiện vay cũng khó được giải ngân ngay lập tức mà phải xếp hàng chờ.

Ông Hưng tiết lộ, một số giám đốc chi nhánh ngân hàng trao đổi, thời kỳ năm 2009-2010, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ lãi suất nhưng đến giờ có một số ngân hàng vẫn chưa quyết toán xong. Có thể điều này cũng khiến các ngân hàng run tay khi triển khai gói vay ưu đãi 2% lần này.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực chuyên gia tài chính cho rằng: Gói hỗ trợ lãi suất 2% này khác với gói hỗ trợ trong giai đoạn 2009 -2010 ở một số điểm như sau: Nguồn vốn của gói hỗ trợ lãi suất này đã được xác định rõ ràng là trích từ ngân sách.

Thứ hai là xác định cụ thể đối tượng hỗ trợ (13 lĩnh vực), thời hạn hỗ trợ cụ thể (tối đa 2 năm, không sử dụng hết cũng phải ngừng). Ngoài ra là 2 tiêu chí quan trọng là doanh nghiệp tiếp cận gói vay này phải đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng và có khả năng phục hồi.

Doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sau đại dịch

Doanh nghiệp đang cần vốn để phục hồi sau đại dịch

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh – Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói: Với những doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được vay vốn và đúng đối tượng còn được hưởng vốn vay ưu đãi. Nhưng nếu không đáp ứng các điều kiện vay vốn thì các ngân hàng không thể cho vay vốn vì nếu cố tình cho vay thì không chỉ rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống ngân hàng mà còn rủi ro cả về mặt con người nữa.

Không nới room ngay thì khó giải ngân

Giải quyết bài toán về vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng cần được nhìn nhận ở cả góc độ tín dụng và lãi suất. Đối với chính sách tín dụng, năm 2022 Thống đốc NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng là 14% và chúng tôi cho rằng mục tiêu là rất phù hợp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh.

Trong gần 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,3%, tức là dư địa còn lại là 4,7% trên tổng dư nợ, tương đương 450.000 tỉ đồng để đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm. Tại TP.HCM, room tín dụng còn trên dưới 150.000 tỉ đồng. Do đó, các doanh nghiệp có đủ điều kiện vay vốn thì chắc chắn không sợ thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với chính sách lãi suất, hơn 20 năm nay, cơ chế lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng vẫn được duy trì và điều kiện dựa trên căn cứ vào quan hệ cung cầu vốn trên thị trường; mức độ tín nhiệm của ngân hàng với khách hàng.

Hơn nữa, các ngân hàng ở TP.HCM đã và đang cho phép các doanh nghiệp vay vốn với thế chấp bằng dòng tiền. Có nghĩa là các doanh nghiệp phải minh bạch các thông tin về dòng tiền sản xuất, kinh doanh thì các ngân hàng mới cho vay”.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng vướng mắc nữa của gói hỗ trợ lãi suất là Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng chứ không nên chờ đến quý 4, cuối năm để xem tình hình lạm phát êm rồi… mới nới room tín dụng. Làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp.

Không nới room ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất. Đây là điều kiện cần và đủ để triển khai tốt hơn gói hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm