Nhiều người đến 1 đại lý đòi tiền ký gửi cà phê ở tỉnh Đắk Nông

(PLO)- Nhiều người dân tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tập trung về một cơ sở đòi tiền ký gửi cà phê nhưng chưa có kết quả.

Ngày 10-1, thông tin từ UBND xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, cho biết trên địa bàn xảy ra vụ việc người dân tập trung đòi tiền ký gửi cà phê.

Người dân tập trung đòi tiền ký gửi cà phê. Ảnh chụp màn hình

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Thành, hiện lực lượng công an xã đã hướng dẫn người dân làm đơn, thống kê số lượng cà phê đã ký gửi để xử lý theo quy định.

“Chúng tôi đã phối hợp, vận động bà con tự thống kê, ghi số lượng cà phê đã ký gửi vào đơn để xử lý, không tập trung gây mất trật tự” - lãnh đạo UBND xã Tân Thành nói.

Theo tìm hiểu của PLO, tối 9-1, rất nhiều người dân đã tập trung, quây kín sân của một đại lý cà phê tại xã Tân Thành. Tại đây, nhiều người to tiếng, đòi chủ cơ sở trả tiền ký gửi cà phê.

Tuy nhiên, chủ đại lý đứng trong nhà, không ra tiếp chuyện. Người dân đã ngồi đợi ở sân, thềm nhà trong một thời gian khá lâu.

Công an xã Tân Thành đã có mặt ổn định tình hình, hướng dẫn người dân làm đơn, thống kê số lượng cà phê đã ký gửi để xử lý. Sau khi được công an giải thích, người dân đã chấp thuận ra về để làm đơn.

Trao đổi với PLO, một người dân cho biết khi nghe chủ đại lý tuyên bố vỡ nợ, bà con vào kho thì không còn cà phê. "Tôi vừa ký gửi năm tấn cà phê tươi. Giờ chủ đại lý tuyên bố vỡ nợ với số tiền vài chục tỉ đồng. Hiện tôi đang làm đơn nhờ chính quyền xử lý" - người dân nói.

Vụ việc đang được Công an xã Tân Thành xác minh, xử lý theo quy định.

Ký gửi cà phê là gì?

Vào mùa vụ thu hoạch, giá cà phê thường thấp, nhiều người dân trồng cà phê không muốn bán ngay mà họ mang cà phê đi ký gửi tại các đại lý, doanh nghiệp thu mua, chờ giá lên mới bán lấy tiền.

Trong thời gian chờ bán, các hộ nông dân trồng cà phê đến các đại lý, doanh nghiệp nhận ký gửi ứng trước một số tiền để đầu tư, chi phí...

Lợi dụng điều này, một số đại lý, doanh nghiệp bán số cà phê các hộ dân ký gửi nhưng không trả tiền. Đến khi giá lên, các hộ nông dân đến chốt giá bán thì họ tuyên bố vỡ nợ, phá sản, lánh mặt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới