Nhiều nhân tài ngành game Việt Nam đang 'ẩn mình vào bóng tối, không lộ diện'

(PLO)- Game điện tử là ngành công nghiệp không khói, Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng còn lắm lực cản chính sách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ hội, tiềm năng cũng như những rào cản với ngành game Việt Nam đã được đưa ra thảo luận trong dịp Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia đi vào hoạt động tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Chọn chủ đề này là bởi cả doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm thúc đẩy các chính sách đổi mới sáng tạo quốc gia, đều thừa nhận game điện tử là một ngành công nghiệp không khói mà Việt Nam có tiềm năng phát triển.

Chia sẻ với cộng đồng làm game online hôm nay, 31-10, ông Lã Xuân Thắng, đến từ Công ty CP VNG, đưa ra con số là thế giới có tới 3 tỷ người chơi game, chiếm 40% tổng dân số toàn cầu. Thị trường này đang phát triển mạnh mẽ, khả năng cán mốc doanh thu năm nay là 187 tỷ USD, với một nửa đến từ game mobile.

Chỉ muốn được coi game là một ngành nghề trong xã hội

Cũng theo lãnh đạo của VNG, châu Á là khu vực đóng góp một nửa số người chơi cũng như doanh thu. Trong đó, Hàn Quốc là “cường quốc”, với doanh thu từ công nghiệp game gấp 40 lần K-pop, gấp 6 lần điện ảnh.

Bình diện rộng hơn thì Đông Nam Á là thị trường quan trọng, có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, chỉ sau khu vực Trung Đông. Với riêng thị trường Việt Nam, doanh thu ngành game năm 2022 được một báo cáo đưa ra con số 500 triệu USD.

Nhưng con số này, theo ông Thắng, chỉ là “bề nổi”. Bởi nếu cộng gộp các loại hình thanh toán đa dạng của người chơi thì doanh thu ngành game Việt Nam có thể vượt qua con số 1 tỷ USD.

“Điều này cho thấy rằng không chỉ thế giới mà cả Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng phát triển chung của ngành game", ông Thắng nhấn mạnh.

Dù nhiều triển vọng vậy, ngành game tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm về cả mặt chính sách và pháp lý. Thậm chí, ngành công nghiệp không khói này đang gặp nhiều rào cản chính sách.

“Chúng tôi chỉ muốn được cơ quan chức năng Việt Nam coi game là một ngành nghề trong xã hội", ông Thắng nói.

Vì chưa thực sự được coi là một ngành công nghiệp, nên ở mảng đào tạo, cả nước chỉ có hai trường đại học quốc tế mở ngành thiết kế game. Còn các trường khác chỉ mở các ngành có liên quan như thiết kế đồ họa, lập trình.

“Bộ GD&ĐT chưa có quy định về riêng ngành thiết kế và phát triển game, điều này đang cản trở triển vọng phát triển của loại ngành nghề này", ông Thắng nhấn mạnh.

Trong khi đó, thế giới đang ngày càng thừa nhận game là một ngành nghề, thậm chí là một nghề nghiệp, một môn thể thao trên nền tảng điện tử. Biểu hiện là, vừa qua thể thao điện tử đã được đưa vào một số sự kiện Olympic, và theo cách ấy, tiến tới có thể là World Cup.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng ngành game đang vấp phải nhiều lực cản.png
Ông Lê Quang Tự Do cho rằng ngành game đang vấp phải nhiều lực cản. Ảnh: X.Đ

Ngành game Việt Nam đang vấp phải nhiều lực cản "không đáng có"

Ở góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông thẳng thắn thừa nhận là ngành game Việt Nam đang vấp phải nhiều lực cản "không đáng có".

Lực cản đầu tiên là ngành game đang bị phân mảnh giữa sản xuất game và phát hành game. "Có nghịch lý là người Việt Nam sản xuất game cho nước ngoài chơi, nhưng người Việt lại đi mua game nước ngoài về để chơi. Thực tế này dẫn tới việc có tới 88% game phát hành ở Việt Nam là của nước ngoài".

Đó cũng là nguyên nhân mà nhiều nhân tài, kỹ sư của Việt Nam đang "ẩn mình vào bóng tối, không xuất hình, lộ diện".

Ngoài ra, một bộ phận xã hội vẫn nhìn nhận game điện tử, game online như một tệ nạn.

Tuy nhiên, ông Do cũng có nhận xét lạc quan rằng khoảng 1 năm qua, đã xuất hiện các tín hiệu tích cực khi các vật cản, lực cản bắt đầu vỡ dần, yếu dần.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực phá vỡ những rào cản ấy, mà đầu tiên là bằng cách xây dựng cơ chế để hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong ngành, trong đó trọng tâm là kết nối giữa các nhà sản xuất game và phát hành game.

Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết sẽ kêu gọi các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia cơ hội đầu tư hợp tác phát triển ngành game Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm