Nhiều quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong việc ứng cử làm người kế nhiệm ông Jens Stoltenberg trong vai trò Tổng thư ký của liên minh quân sự này, hãng Reuters đưa tin ngày 23-2.
Về ý tưởng Thủ tướng Hà Lan làm Tổng thư ký NATO, một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden “ủng hộ mạnh mẽ việc Thủ tướng Rutte ứng cử làm tổng thư ký tiếp theo của NATO".
Trước đó, vào ngày 22-2 người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby đã truyền đạt lập trường của mình tới các quốc gia thành viên khác.
“Mỹ đã nói rõ với các đồng minh của chúng tôi, các đồng minh NATO của chúng tôi rằng chúng tôi tin ông Rutte sẽ là một tổng thư ký xuất sắc của NATO” - ông Kirby nói.
Ủng hộ ông Rutte, Bộ Ngoại giao Anh cho biết ông là một nhân vật được kính trọng trên toàn NATO với tư cách là người có chuyên môn sâu rộng về quốc phòng và an ninh. Phía London cũng nhấn mạnh năng lực của ông Rutte trong việc duy trì sức mạnh và sự sẵn sàng tự vệ của NATO.
Một quan chức cấp cao chính phủ Pháp cho biết rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sớm ủng hộ việc Thủ tướng Hà Lan làm Tổng thư ký NATO và đã thảo luận vấn đề này với ông Rutte vào năm ngoái.
Người phát ngôn của chính phủ Đức cho biết ông Rutte nhận được sự ủng hộ của Berlin, đồng thời ca ngợi nhà lãnh đạo Hà Lan là "một ứng cử viên xuất sắc".
Nhiều nhà ngoại giao giấu tên nói với Reuters rằng 16 quốc gia NATO khác cũng bày tỏ ủng hộ ông Rutte cho vai trò này. Song việc bổ nhiệm ông sẽ cần có sự nhất trí bỏ phiếu từ 31 thành viên của khối.
Bộ Ngoại giao Ba Lan lưu ý rằng Warsaw chưa bày tỏ sự ủng hộ đối với bất kỳ ứng cử viên nào, trong khi các quan chức ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa lên tiếng về vấn đề này.
Việc tìm kiếm người đảm nhận vị trí lãnh đạo NATO tiếp theo diễn ra trong bối cảnh ông Stoltenberg sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thư ký vào tháng 10 năm nay.
Theo Reuters, tân tổng thư ký NATO sẽ nhậm chức vào thời điểm quan trọng của liên minh.
Người kế thừa ông Stoltenberg sẽ có nhiệm vụ duy trì sự ủng hộ của các thành viên NATO đối với Ukraine, cũng như điều phối khối quân sự tránh các nguy cơ leo thang căng thẳng có thể đưa liên minh vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga.