Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu VN (Vinashin), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội… có số nợ thuế lên đến hàng trăm tỉ đồng. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị chống thất thu và nợ đọng thuế do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 1-3.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, tình hình kinh tế khó khăn cộng với việc ngân hàng thắt chặt cho vay đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải chấp nhận nợ thuế để chiếm dụng số tiền này làm vốn kinh doanh.
Đủ chiêu nợ thuế
Theo ông Cao Anh Tuấn, không chỉ khó khăn về tiêu thụ hàng hóa, việc thiếu vốn khiến DN không chỉ chậm nộp thuế mà còn “chây ì” thanh toán tiền hàng trong giao dịch mua bán nhằm chiếm dụng vốn lẫn nhau, dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế trầm trọng thêm. Số tiền thuế nợ của nhóm này (không kể nhóm DN phá sản, bỏ trốn… - NV) đã chiếm tới 72% tổng số nợ thuế, trong đó, nợ trên 90 ngày đã chiếm 63%.
Đặc biệt, một số DN đã nợ từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng tiền thuế và nợ kéo dài. Trong số này có nhiều DN tên tuổi như Hoàng Anh Gia Lai, Vinashin, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty Cổ phần Cavico Xây dựng cầu hầm, Công ty Cổ phần Bia rượu và nước giải khát Phú Yên. Riêng Hoàng Anh Gia Lai nợ thuế lên đến hàng trăm tỉ đồng do tình trạng “đóng băng” ở thị trường bất động sản.
“Các DN thua lỗ, nợ thuế lâu ngày phải chịu thêm số tiền phạt lớn nên càng không có khả năng trả thêm cả khoản nợ lẫn khoản phạt. Điển hình như trường hợp Công ty TNHH Đức Phương ở Nam Định, kinh doanh thua lỗ, không nộp được thuế kéo dài, rốt cuộc đến nay, tiền phạt nộp chậm của công ty này đã chiếm tỉ trọng tới gần 40% tổng số nợ thuế phải nộp” - ông Cao Anh Tuấn nói.
Bất động sản là một trong sáu nhóm thất thu lớn về thuế. Ảnh: HTD
Theo ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế, hiện nay xảy ra tình trạng nhiều DN tự giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn nợ thuế nhưng không thông báo với cơ quan thuế. Số tiền thuế nợ của các DN này chiếm 56,7% trong tổng nợ khó thu.
Thất thu thuế vì chuyển giá
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thời gian qua, hiện tượng các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước. Trong đó, nhiều DN kê khai lỗ liên tục ba năm. Điển hình như tại Bình Dương, số DN FDI kê khai lỗ năm 2010 là 754/1.490 DN - tương đương 50,6%, trong đó có tới 200 DN lỗ quá số vốn chủ sở hữu; tại TP.HCM và Đồng Nai, tỉ lệ này lần lượt là 60% và 52,2%.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn còn cho biết chiêu chuyển giá còn lan rộng sang các DN trong nước. Theo đó, lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, các tập đoàn kinh tế trong nước thành lập một số công ty con hoạt động trong lĩnh vực và địa bàn khác nhau, trong đó có những lĩnh vực, địa bàn được ưu đãi thuế thu nhập DN. Họ tìm cách chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN không được ưu đãi thuế sang DN liên kết được ưu đãi thuế hoặc chuyển lợi nhuận trước thuế từ DN có lãi sang DN bị lỗ thông.
Chẳng hạn, tại Quảng Ninh, giá bán than là 800 triệu đồng/tấn nhưng DN khai thác than chỉ khai thuế tài nguyên bằng một nửa giá bán - 400 triệu đồng/tấn. Hay như trong lĩnh vực dịch vụ, giá cho thuê khách sạn là 100 USD/phòng thì các khách sạn chỉ khai với cơ quan thuế 30-40 USD/phòng. Trong thu phí gửi xe ô tô, có nơi DN khai thu 800.000 đồng/tháng/xe, có nơi lại tận thu tới 1,8 triệu đồng/tháng/xe. “Khoản chênh lệch này vào túi ai hay lại rơi vào chính tay DN? Động cơ trốn thuế của DN khá rõ, khi bằng thủ đoạn thông qua một công ty dịch vụ, DN “mẹ” kê khai không chính xác chi phí với cơ quan thuế…” - ông Tuấn nhận định.
Theo thống kê, hiện có sáu nhóm thất thu lớn gồm: thất thu từ chuyển giá, cư dân biên giới được miễn thuế, bất động sản, kinh doanh qua mạng, khâu hoàn thuế (nhiều đơn vị cố tình hạch toán ba tháng âm liên tục để hoàn thuế, lập ra công ty mẹ-con để luân chuyển số thu), các công ty thương mại lớn vi phạm về thuế giá trị gia tăng. Ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế mới, song song đó sẽ kiên quyết thực hiện chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra thuế ít nhất là 15%-20% số DN đang hoạt động; tăng cường hướng dẫn kiểm tra để DN đang kinh doanh phải đạt được 98% có tờ khai thuế hằng tháng, hằng quý.
“Bầu” Đức: Nợ chứ không xù thuế! Ngay sau khi Tổng cục Thuế công bố một số đơn vị nợ đọng thuế lớn, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Công ty Hoàng Anh Gia Lai, khẳng định DN này hoàn toàn có đủ năng lực tài chính cũng như luôn chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế. “Bầu” Đức cho biết tính đến hết năm 2011, số dư trong các tài khoản ngân hàng của Hoàng Anh Gia Lai là 2.800 tỉ đồng. Với số dư đó Hoàng Anh Gia Lai đủ khả năng thanh toán số nợ thuế hàng trăm tỉ mà cơ quan thuế công bố. Giải thích về số thuế nợ đọng đến nay vẫn chưa nộp, ông Đức cho rằng DN của ông gồm các công ty con ở nhiều địa phương khác nhau dẫn đến chậm hoàn thành các báo cáo quyết toán, tài chính nên chưa thể thực hiện nghĩa vụ thuế. “Cũng có thể do cơ quan thuế chưa thấy khoản tiền này quan trọng nên chưa nhắc nhở. Nếu nhắc nhở, Hoàng Anh Gia Lai chắc chắn đã nộp ngay chứ DN còn hoạt động mà muốn xù thuế là điều không thể” - ông Đức khẳng định. (Theo VnExpress) |
TRÀ PHƯƠNG