Đó không chỉ là những vụ việc nghiêm trọng, dư luận âm ỉ đã lâu, nay được khui ra, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, mà còn chỉ ra những mặt khiếm khuyết, hạn chế trong thực thi pháp luật, cũng như thúc đẩy hoàn thiện thể chế, pháp luật về PCTN.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra của Quốc hội (QH), chúng tôi thấy dự thảo Luật PCTN sửa đổi mà Chính phủ đã trình, lấy ý kiến một lượt ở kỳ họp QH trước đã phản ánh quyết tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh hơn các giải pháp phòng ngừa, trong đó đáng chú ý là hoàn thiện cơ chế minh bạch, kiểm soát thu nhập.
Vấn đề mà cử tri bức xúc lâu nay là thu hồi tài sản tham nhũng. Một cách khách quan thì với tài sản do tội phạm, vi phạm pháp luật mà có thì hệ thống pháp luật của ta đã bao quát khá tốt. Nhìn chung, khi cơ quan pháp luật đã chứng minh được là tội phạm, vi phạm thì tài sản, tang vật thu được đều có cơ chế để tịch thu, tiêu hủy. Tuy nhiên, phòng ngừa tham nhũng ở mức cao hơn, chẳng hạn tình nghi tài sản bất minh vẫn có thể điều chỉnh, răn đe thì Luật PCTN hiện hành chưa đáp ứng được. Chính phủ lựa chọn cách giải quyết vấn đề này bằng sửa đổi toàn diện phần minh bạch tài sản, thu nhập và chúng tôi đồng tình.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH
dự thảo mới nhất Chính phủ đưa ra hai phương án. Một là nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về tài sản tăng thêm hoặc tài sản kê khai không trung thực thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ ra kết luận, chuyển thuế vụ truy thu thuế thu nhập cá nhân. Kèm theo phương án này là dùng Luật PCTN sửa đổi để bổ sung một điều vào Luật Thuế thu nhập cá nhân để cho phép đánh thuế 45% vào phần tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Hai là không cần chuyển sang thuế vụ mà chuyển cơ quan có thẩm quyền về hành chính với người kê khai không trung thực đó để phạt tiền, cũng theo tỉ lệ 45% đó.
Ủy ban Tư pháp của QH đã họp thẩm tra thì thấy cả hai phương án đều có tính hợp lý của nó. Vì đã là tài sản không giải trình nguồn gốc được thì ít nhiều đều liên quan đến trốn thuế, chưa nộp thuế và bản thân việc kê khai không trung thực hoặc không giải trình được cũng là hành vi vi phạm hành chính về nghĩa vụ minh bạch tài sản, thu nhập.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của tôi, cả hai giải pháp đều chưa triệt để. Nghĩa vụ kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên đã có từ nhiều năm nay và ít nhất đã được chuẩn hóa, đi vào nề nếp từ khi có Luật PCTN năm 2005, tức là 13 năm rồi. Pháp luật về tài sản và sở hữu cũng đã được hoàn thiện rất nhiều sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay có thể nói hoàn toàn không có khó khăn gì để mỗi cá nhân tự quản lý, kê khai, đăng ký sở hữu tài sản của mình, cũng như chứng minh nguồn gốc hình thành tài sản - nếu đó là từ thu nhập hợp pháp. Công dân nào cũng có quyền và nghĩa vụ thực hiện các quy định của pháp luật đó. Đã là đảng viên, là cán bộ, công chức, nhất là người có chức vụ thì càng phải gương mẫu thực hiện.
Vậy tại sao lần sửa đổi này không quy định thẳng vào luật là sẽ tịch thu tài sản sung công nếu người có nghĩa vụ kê khai đó không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc của nó? Tôi cho là phải quy định như vậy và áp dụng kể từ thời điểm luật mới có hiệu lực, đồng thời cam kết không hồi tố với các vi phạm trước đó. Như thế mới dứt điểm được câu chuyện nhùng nhằng này, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên trong liêm chính.
Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH