Bộ trưởng Tư pháp: Xử tài sản bất minh phải đưa ra tòa

Sáng 19-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm chất vấn là những bất cập trong việc sửa luật, tiến độ trình dự án luật chậm, quan điểm của Bộ Tư pháp đối với xử lý tài sản bất minh…

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.

Xử tài sản bất minh phải ra tòa

Tại phiên chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm của Bộ về việc xử lý đối với hành vi kê khai không trung thực, không giải trình được về tài sản, thu nhập tăng thêm một cách hợp lý được đề cập trong dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tư pháp cho hay đây là một dự luật rất khó và còn nhiều ý kiến khác nhau. “Đối với dự luật này, Bộ Tư pháp đã báo cáo thẩm định từ trước, quá trình soạn thảo cũng tham gia ý kiến cụ thể. Theo kế hoạch dự luật sẽ được trình QH xem xét vào kỳ họp tới (tháng 5-2018), tuy nhiên đến giờ vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau” - ông Long nói.

Cụ thể, về vấn đề xử lý tài sản tham nhũng, ông Long cho biết có ý kiến đề xuất là với tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì đánh thuế tới 45%. “Đây là quan điểm của Chính phủ và với tư cách một thành viên của Chính phủ, tôi tuân thủ việc này. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận thì chúng tôi có ý kiến bổ sung" - ông Long cho hay.

Cụ thể, theo tinh thần của Công ước Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tham nhũng, phần thu nhập, tài sản chứng minh được thì không sao, còn nếu không chứng minh được thì tịch thu hoặc xử lý hình sự. Như Trung Quốc là tịch thu và hình sự ngay.

"Với Việt Nam, để thực hiện tinh thần trên ngay lập tức thì chưa được, không khả thi nên quan điểm của Bộ Tư pháp là đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra tòa xem xét giống như đưa ra tòa các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ" - ông Long nói.

Bao giờ sửa được luật vênh nhau

Tại phiên chất vấn, các đại biểu QH đã truy vấn Bộ trưởng Tư pháp về tình trạng luật vênh nhau, xử lý trách nhiệm của việc trình luật chậm…

Đại biểu QH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) dẫn sự vênh nhau của ba luật (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Bảo vệ môi trường (BVMT)) khiến nhà đầu tư lúng túng. “Vậy trách nhiệm cũng như giải pháp cho việc này ra sao? Đề nghị bộ trưởng cho biết đến bao giờ sửa được bất cập này, vì hiện có nhà đầu tư đang thực hiện việc đánh giá tác động với thời gian dài và kinh phí hàng tỉ đồng nhưng khó khăn vì giai đoạn thực hiện đánh giá tác động này chưa phù hợp?” - đại biểu Lan đặt câu hỏi.

Thừa nhận có tình trạng này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay vướng mắc lớn nhất liên quan đến thời điểm đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, Luật BVMT quy định giai đoạn lập nghiên cứu tiền khả thi cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể nhưng Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công lại quy định khác. Theo đó, hai luật này quy định trong giai đoạn đề xuất trình, ra quyết định chủ trương đầu tư thì chỉ cần báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ bộ.

“Qua rà soát, thẩm định lại, Bộ Tư pháp cũng băn khoăn về việc này. Với Luật BVMT, khi thẩm định, anh em nói trong giai đoạn bắt đầu thì chưa đủ thời gian nên chưa thể làm báo cáo tác động môi trường đầy đủ. Chính vì thế, phải căn chỉnh cho phù hợp, nếu không phải sửa BVMT” - ông Long nói.

Ông Long cho hay nội dung này sẽ được báo cáo Chính phú để sửa đổi tổng thể Luật BVMT để giải quyết triệt để bất cập này. Trước mắt, với việc báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tư pháp đề xuất UBTVQH giải thích luật theo hướng đối với dự án lập xin chủ trương đầu tư sẽ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công, nghĩa là chỉ cần báo cáo sơ bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nêu vấn đề nhiều dự án trình quá chậm, có luật chỉ trình trước hai ngày, lại rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật. Bên cạnh đó, chất lượng nhiều dự án luật có vấn đề, thậm chí không ký, không đóng dấu; báo cáo đánh giá tác động, thời gian và sự tham gia cho ý kiến một số bộ, ngành còn hình thức; khi xin ý kiến Chính phủ bằng phiếu, có trường hợp đến chín bộ chưa có ý kiến, trong đó có bộ rất quan trọng. Bà Nga đề nghị chấn chỉnh tình trạng này nếu không sẽ làm khó các ủy ban trong việc thẩm định, đồng thời đặt câu hỏi: “Với những bất cập như trên, đã có cá nhân, tổ chức, chuyên viên nào bị xử lý kỷ luật chưa?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tư pháp cho hay việc này liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu khi trình hồ sơ dự án chậm, không đảm bảo tiến độ, quy trình thủ tục. QH đã có nghị quyết liên quan đến việc xây dựng văn bản. Các bộ trưởng, trưởng ngành không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ cũng là yếu tố để QH bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong phiên họp thường kỳ và chuyên đề của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu rất rõ các bộ trưởng, trưởng ngành phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng bằng văn bản, chịu trách nhiệm về thời gian trình cũng như chất lượng. “Về xử lý trách nhiệm, thực tế, việc này có dừng lại ở việc kiểm điểm trách nhiệm, đôn đốc, nhắc nhở trong các phiên họp và công bố công khai các dữ liệu văn bản chậm” - Bộ trưởng Tư pháp cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm