Ngày 21-11, Quốc hội (QH) dành gần một ngày làm việc để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN, sửa đổi). Nội dung được các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi là việc thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Đây cũng là vấn đề được Pháp Luật TP.HCM nhiều lần đề cập bởi Luật PCTN hiện hành cũng như dự thảo luật sửa đổi đều không đặt ra vấn đề xử lý khối tài sản bất minh của quan chức.
Vấn đề mới và khó nhưng cần phải làm
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết pháp luật hiện hành chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Thực tế, một số trường hợp kê khai không đúng vừa qua chỉ có thể áp kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, thậm chí cách chức chứ không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Muốn xử lý tịch thu khối tài sản này phải thông qua một vụ án hình sự, đến khi đó sẽ rất khó khăn, nhiều vụ án không còn tài sản để thi hành án.
“Thu hồi tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp dẫu biết rằng đây là vấn đề mới và rất khó với Việt Nam, song đây là sự chờ đợi của người dân” - bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, ban soạn thảo giải thích cho việc không bổ sung quy định xử lý tài sản bất minh là để phù hợp với nguyên tắc của tố tụng hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về Nhà nước. Tức muốn tịch thu khối tài sản đó, cơ quan nhà nước phải chứng minh chứ không phải người có tài sản có trách nhiệm giải trình.
“Chúng tôi khác quan điểm với ban soạn thảo, bởi lẽ tham nhũng là tội phạm đặc biệt, xảy ra lâu rồi mới phát hiện, độ ẩn của tội phạm là rất cao, do đó nếu không có tố tụng đặc biệt vượt lên khuôn khổ pháp lý thông thường thì không xử lý được” - bà Thủy nói và dẫn chứng kinh nghiệm ở Trung Quốc. Theo đó, BLHS nước này quy định: Bất kỳ công chức công nào có tài sản hoặc chi tiêu vượt quá thu nhập hợp pháp, nếu có sự khác biệt lớn thì đều có thể bị yêu cầu giải trình về nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó. Nếu công chức không giải trình được thì phần tài sản vượt quá thu nhập hợp pháp sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu...
Theo bà Thủy, hành vi tham nhũng khác với “tội giết người, cướp của, đánh nhau gây thương tích”, nó thường diễn biến trong thời gian dài, làm thất thoát tài sản của Nhà nước. Chính vì vậy cần quy định về việc xử lý tài sản bất minh của quan chức để “sớm khoanh vùng nhận diện và tăng khả năng thu hồi tài sản”.
Không giải trình được thì thu hồi
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cũng đặt vấn đề đối với trường hợp sở hữu tài sản không rõ nguồn gốc hoặc nguồn gốc không hợp pháp, “luật có coi là tài sản bất minh hay không?”. Theo ông Sơn, đây là vấn đề cốt tử của PCTN và “phải làm bằng được” vì chỉ khi “trao thẩm quyền cho cơ quan chức năng, kiểm soát có quyền truy lùng đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản” thì mới chống được tham nhũng.
“Việc chuyển quyền sở hữu xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn nhưng lại không bị vấp phải bất kỳ một hành động kiểm soát nào từ cơ quan nhà nước làm cho việc này trở thành nơi trú ẩn, một sự lựa chọn tốt nhất để cất giấu tài sản tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại cho chính việc PCTN của chúng ta trong nhiều năm qua” - ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho rằng quan chức phải có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc tài sản của mình hợp pháp, nếu không chứng minh được thì Nhà nước sẽ tịch thu. “Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vụ án hình sự. Còn trong phạm vi của Luật PCTN thì trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản phải là chủ sở hữu tài sản. Nếu anh không chứng minh được thì Nhà nước sẽ thu hồi tài sản. Việc này không mâu thuẫn” - ông Sơn nói và đề nghị đưa vấn đề thu hồi tài sản bất minh vào dự luật.
Đồng quan điểm với ông Sơn, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhấn mạnh việc thu hồi tài sản bất minh không mâu thuẫn với quyền bảo hộ về tài sản được hiến pháp quy định. “Mọi công dân có quyền sở hữu tài sản hợp pháp và tài sản của mọi công dân đều phải minh bạch chứ không phải chỉ có quan chức mới phải minh bạch. Ở các nước người dân bình thường phải chứng minh được tài sản của mình, nếu không cục thuế nhảy vào, không giải thích được thì cục thuế xử lý liền” - ông Nghĩa nói.
Tranh luận về tham nhũng trong khu vực tư Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng (ĐBQH Quảng Nam) cho rằng cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước. Đồng tình, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn về chính sách; đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi, gây thất thoát lớn về tiền và tài sản của Nhà nước. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng phân tích: “Hiện nay có sự thông nhau giữa khu vực công và khu vực tư. Người ta tham nhũng thông qua khu vực tư, ví dụ như tài sản 1 triệu USD thì đưa ra khu vực tư, anh kê giúp tôi 1,5 triệu USD, rồi “lại quả” 500.000 USD cho các cá nhân khu vực công. Nếu chúng ta thả nổi hoàn toàn cũng không được”. Có quan điểm khác, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Bến Tre) giơ biển tranh luận. Ông Nhưỡng cho rằng tham nhũng là tội phạm có chủ thể đặc biệt, không phải ai cũng có thể trở thành chủ thể của tội tham nhũng được. “Tôi tán thành quan điểm cần cắt đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước, hay nói cách khác là cắt nguồn dinh dưỡng của tham nhũng. Nhưng chúng ta không chỉ sử dụng con dao duy nhất là Luật PCTN để cắt sợi dây này mà có những quy định khác” - ông Nhưỡng nói. |