Nhiều rào cản“vây” y tế tư nhân

Ông Nguyễn Lê Mai Kha, Giám đốc Công ty TNHH Chăm sóc Sức khỏe Việt (quận Tân Phú, TP.HCM), cho biết 5-10 năm trước phong trào thành lập phòng khám đa khoa, phòng nha, BV tư diễn ra một cách ồ ạt. Nhưng chỉ vài năm sau thì các cơ sở này ngắc ngoải do ít bệnh nhân, thu không đủ chi.

BHYT giống như… ngân hàng

BS Nguyễn Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hành nghề y tư nhân, cho biết từ năm 2012 đến nay tình hình đầu tư cơ sở y tế tư có chiều hướng lắng xuống (giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất là 2008-2010) vì bộc lộ nhiều khó khăn. Theo ông Tùng, một trong các nguyên nhân chính là Nhà nước có phần ngần ngại khi giao bệnh nhân BHYT cho các cơ sở y tế tư. “Nếu giao thì thủ tục rất khó khăn, vẫn cơ chế xin cho” - ông Tùng bộc bạch.

Theo BS Tùng, cơ quan BHYT giống như một loại ngân hàng, muốn cho ai khám BHYT thì cho. Quá trình làm cho được mã số khám bệnh là không đơn giản. Nhưng sau khi có mã số rồi đến xin Sở Y tế chấp thuận cũng không dễ, điều kiện còn khá nhiêu khê. “Nếu BV không gia nhập được vào thị trường BHYT thì BV sẽ có ít bệnh nhân đến khám (vì 65% bệnh nhân hiện nay có BHYT). Không có khách, y tế tư nhân càng ngày càng đi xuống là đương nhiên” - ông Tùng cho biết.

Thiếu hụt nhân lực là một trong những khó khăn mà y tế tư nhân phải đối đầu. Ảnh: TÙNG SƠN

BS Lê Quang Định, chủ một cơ sở y tế tư, cho biết thêm: Trước đây, vào năm 2008, ông có hai phòng khám đa khoa ở Tân Bình, Tân Phú và có khám BHYT. Đối với BV tư ngoài khám BHYT còn có điều trị người bệnh nên nguồn thu cũng đỡ; còn với phòng khám thì chỉ khám BHYT nên khó sống nổi. “Đến đầu năm 2014 tôi không khám BHYT nữa mà chỉ khám dịch vụ theo định hướng bác sĩ gia đình.  Vì một lần khám BHYT ở phòng khám đa khoa tư nhân trước đây chỉ được thanh toán 2.000 đồng/lần (mức giá mới đây là 5.000 đồng), số tiền này không đủ bù cho chi phí in mấy tờ giấy chỉ định, toa thuốc, phiếu tính tiền để báo cáo quyết toán chứ đừng nói là có lợi nhuận!” - BS Định nói.

Âm thầm chạy ra, chạy về

Theo BS Nguyễn Hữu Tùng, tổng số y bác sĩ phục vụ trong y tế tư nhân là trên 5.000 người. Tuy nhiên, con số này không thực, bởi có từ 40% đến 50% y, bác sĩ đang làm việc trong cơ sở y tế Nhà nước. Có BV tư chỉ có 10 bác sĩ nhưng vẫn mổ xẻ, đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ. Vậy bác sĩ ở đâu ra? Chủ yếu là bác sĩ ở các BV Nhà nước âm thầm chạy ra và âm thầm chạy về.

Hiện nhiều cơ sở tư nhân có chế độ khá tốt nhưng bác sĩ không về. Bác sĩ thích ở BV Nhà nước vì nơi đó người bệnh đông, nhiều việc làm, ít áp lực bệnh nhân mà trách nhiệm không nhiều như làm BV tư. Luật Khám bệnh, chữa bệnh cho phép bác sĩ công có thể làm cho tư nhân nhưng chỉ được làm ngoài giờ. Tuy nhiên, hầu hết bác sĩ Nhà nước sau 4 giờ chiều mới rảnh, chạy qua bệnh viện, phòng khám tư thì giờ này bệnh nhân đã về mất rồi! Như vậy, hệ thống y tế tư khó thể sử dụng được những bác sĩ giỏi này.

Mặt khác, nhân lực của cơ sở y tế tư nhân bị kìm hãm ở Thông tư 41 năm 2011 của Bộ Y tế. Thông tư chỉ cho phép mỗi bác sĩ hành nghề ở một địa phương. Thí dụ, một chuyên gia giỏi ở Hà Nội thì người Sài Gòn không được hưởng tài năng của chuyên gia đó. Để tháo gỡ khó khăn nhân lực, các cơ sở y tế tư chấp nhận bác sĩ đã về hưu. Dù tuổi đã cao nhưng họ cũng đáp ứng phần nào cho nhu cầu nhân lực y tế tư nhân.

Theo ông Kha, một rào cản khác khiến các phòng khám đa khoa giải tán, đó là ngày trước phòng khám đa khoa chỉ cần hai khoa bất kỳ nhưng từ khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh ra đời thì điều kiện nghiêm ngặt hơn. Phòng khám đa khoa bắt buộc phải có 2/4 khoa nội-ngoại-sản-nhi, kèm theo phòng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cùng hệ thống xử lý nước thải. Chi phí tăng lên nhưng nguồn thu không tăng, do vậy nhiều phòng khám chuyển sang xin khám nội và bác sĩ gia đình...

DUY TÍNH

Chấn chỉnh việc cấp mã số BHYT

Trả lời những vướng mắc của hệ thống y tế tư, TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP đã thành lập tổ BHYT để giải quyết những vụ việc liên quan đến BHYT. Trên nguyên tắc, nếu thẩm định cơ sở đủ điều kiện thì sở cấp phép khám BHYT, công tư như nhau. Các BV tư phản ánh có sự phân biệt giữa công tư trong việc cấp mã số BHYT, Sở sẽ tổ chức xác minh, nếu có sẽ chấn chỉnh.

Về nhân lực, Sở đã lập đề án đào tạo nhân lực của ngành cho cả công và tư. Hiện chỉ tiêu đào tạo của ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tăng cả ngàn sinh viên, như vậy chỉ trong vòng năm năm tới, số bác sĩ ra trường sẽ đủ phủ cho cả công và tư.

Về quy định mỗi bác sĩ chỉ được đăng ký hành nghề tại một địa phương theo Thông tư 41, Bộ Y tế sẽ sớm trình Chính phủ xin ý kiến thay đổi theo hướng để người dân có lợi và đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cũng sẽ cho phép các bác sĩ hành nghề công có thể ra làm tư trong giờ hành chính có kèm theo những điều kiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới