“Sinh viên (SV) dù học luôn được điểm 10, ra trường với bằng đỏ nhưng không biết nói chuyện, thiếu kỹ năng thì cơ hội thử việc cũng không có chứ đừng nói đến làm việc lâu dài”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, Chủ tịch Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững, chia sẻ tại hội thảo gắn kết nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo, tuyển dụng nhân sự.
Hội thảo do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức ngày 7-1, thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên, chuyên gia, các nhà tuyển dụng và SV.
Sinh viên còn tự cao, yếu kỹ năng
Ông Nguyễn Hoàng Dũng đặt vấn đề nhiều đơn vị hay báo cáo mỗi năm có 80%, 90% tỉ lệ SV ra trường có việc làm, nghe rất cao nhưng để làm gì, họ làm việc gì, bưng bê hay phục vụ? Do đó, theo ông Dũng, mục tiêu đào tạo phải làm sao để SV ra trường có việc làm xứng đáng, làm việc hiệu quả, có thu nhập xứng đáng mới là quan trọng nhất.
“Khi đi thỉnh giảng, tôi thấy có một số SV rất tự cao và coi thường thế giới xung quanh, vừa gác chân vừa ăn, đi trễ, chen lấn đi thang máy... Phải chăng nhiều khi do chúng ta nâng SV lên quá tầm nên SV không biết vị trí của mình như thế nào” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, với nhà tuyển dụng, chuyên môn là cần nhưng quan trọng là SV phải có thái độ và kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cũng như công việc.
Tương tự, luật sư Trương Nhật Quang, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh Sáng Luật, cho rằng nhiều SV ra trường quá thiếu kiến thức thực tế trong khi doanh nghiệp tuyển người vào để làm được việc chứ không phải để đào tạo.
Ông Quang cũng thẳng thắn rằng bản thân ông không muốn nhận nhiều SV thực tập vì tốn thêm thời gian hướng dẫn và trả lời các vấn đề là những cái cơ bản đã có trong luật nhưng SV chưa chịu tìm hiểu.
Do đó, theo ông Quang, SV phải nỗ lực thật lớn, có tiếp cận được thực tiễn từ khi còn ở nhà trường thì mới nhanh chóng chủ động hội nhập khi bước vào doanh nghiệp.
Luật sư Trương Thị Hòa kiến nghị nhà trường đào tạo cho sinh viên không chỉ kiến thức chuyên sâu mà còn kiến thức đa năng nhiều mặt. Ảnh: PHẠM ANH
Cùng “song giảng” để nâng chất lượng đào tạo
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo quốc tế, cho rằng trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh, nhiều học sinh quan tâm ngành luật nhưng không hiểu rõ học luật để làm gì, nên chọn ngành luật của trường nào, học ngành luật nào “ngon”, làm sao để được làm chánh án.
“Nhiều em chỉ nghĩ học luật là sẽ ra làm luật sư, để được làm chánh án, hoặc không làm được gì thì học cao học để ra làm giảng viên. Các em chỉ thấy phần ngon mà không biết phần dở, cứ chạy theo tên ngành hot hoặc ngành tốt để thi vào. Chính việc các em hiểu mơ hồ sẽ dẫn đến vào trường sẽ học lơ mơ, rồi bỏ học hoặc ra trường lại thất nghiệp là đương nhiên” - ông Tuấn dẫn giải.
Cần đưa thực tiễn vào giảng dạy Bản thân nhà trường cần có những người làm công tác đưa thực tiễn vào giảng dạy, phối hợp biên soạn giáo trình cho phù hợp thực tế, bởi nhiều luật đã thay đổi, nhiều tài liệu đã quá lạc hậu. Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG, |
Do đó, theo ông Tuấn, nhà trường ngoài việc gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội thì cũng nên phối hợp cùng nhau để tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho xã hội. Có như thế nhà trường mới tuyển được những em không chỉ giỏi, mà còn có niềm đam mê thực sự để học tốt và làm việc tốt.
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng kiến nghị nhà trường đào tạo cho SV không chỉ kiến thức chuyên sâu mà còn kiến thức đa năng nhiều mặt để SV có thể cạnh tranh với bản thân mình, cạnh tranh với người khác trong xã hội, như tăng cường văn hóa đọc sách, sinh hoạt ngoại khóa bổ sung kiến thức xã hội và kỹ năng cho SV.
Tại hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng trường cũng có nhận được những phản hồi về việc SV của trường ra trường giỏi chuyên môn nhưng kỹ năng chưa cao, thiếu thực tế. Do đó, nhà trường đang và sẽ quyết liệt đổi mới đào tạo theo hướng cung ứng lao động phù hợp cho xã hội chứ không chỉ đáp ứng nhân lực mà trường có khả năng đào tạo. Trường sẽ tạo mối quan hệ thật chặt giữa trường và đơn vị sử dụng lao động để SV sẽ có môi trường thực tập, doanh nghiệp cũng sẽ cùng với nhà trường để “song giảng”, tức trường dạy lý thuyết thì doanh nghiệp dạy thực tiễn. Và quan trọng nhất là làm sao trang bị kỹ năng và ngoại ngữ chứ không chỉ chuyên môn.
Do đó, theo ông Hải, để làm được, giáo viên phải thay đổi về phương pháp, trường cũng phải cải tiến chương trình đào tạo. Và bản thân SV cũng phải nỗ lực gấp 2-3 lần để vừa học vừa tự trang bị ngoại ngữ, kỹ năng.
Đổi mới tuyển sinh để nâng chất lượng Theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, hai điểm mới lớn nhất về tuyển sinh và đào tạo trong năm 2020, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực, thay vào đó sẽ áp dụng hai phương thức tuyển sinh độc lập. Trong đó, trường sẽ dành tuyển thẳng 25% tổng chỉ tiêu cho những học sinh giỏi cả trong văn hóa lẫn ngoại ngữ ở THPT. Việc này sẽ giúp trường có chất lượng đầu vào tốt, khi ra trường các em không chỉ vững chuyên môn mà còn sử dụng ngoại ngữ tốt, đáp ứng được yêu cầu xã hội. Thứ hai, theo ông Hải, từ năm học 2020-2021, Trường ĐH Luật TP.HCM sẽ nâng chuẩn đầu ra trình độ tiếng Anh theo chương trình TOEIC của SV theo học các ngành đào tạo của nhà trường. Ông Hải cho rằng có thể SV sẽ cảm thấy áp lực với quy định tăng này nhưng chính điều đó sẽ tạo động lực để SV học tốt hơn và có lợi cho cả bản thân SV lẫn doanh nghiệp. |