Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, có dự án trên 1 tỷ USD

Nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, có dự án trên 1 tỷ USD

(PLO)- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án công nghiệp sản xuất xanh, sạch, công nghệ cao.

Ngày 11-10, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông tin về các giải pháp phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, công nghiệp xanh; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành mô hình cụm liên kết, chuỗi giá trị trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Đồng, hiện tỉnh có 13/15 khu công nghiệp (KCN) và 16 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động, với tổng diện tích 9.045 ha. Đến năm 2030, toàn tỉnh quy hoạch 23 KCN/CCN - đô thị - dịch vụ và 16 cụm công với tổng diện tích đất gần 16.000 ha.

Tau-cho-khi-LNG.jpg
Tàu chở khí LNG cập kho cảng Thị Vải của Tổng công ty Khí Việt Nam PV GAS, Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 7-2023. Ảnh: TK

Toàn tỉnh hiện có khoảng 663 dự án đầu tư lĩnh vực công nghiệp, gồm 552 dự án đang hoạt động trong các KCN, 30 dự án trong CCN và 81 dự án hoạt động ngoài KCN/CCN. Trong đó, có 23 dự án hoạt động về lĩnh vực công nghiệp chất lượng cao và 77 dự án hoạt động về công nghiệp hỗ trợ.

Trong 3 năm (2021 - 2023), nhiều tập đoàn, công ty có thương hiệu lớn trong và ngoài nước đã lựa chọn Bà Rịa- Vũng Tàuđiểm đến để đầu tư như: Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc), Tập đoàn Austal (Úc), Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), Tập đoàn Marubeni (Nhật), Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc), Tập đoàn Hòa Phát (Việt Nam), Tập đoàn Vard (Na Uy), Tập đoàn SMC (Việt Nam), Tập đoàn Hoa Sen (Việt Nam), Công ty Cổ phần Dịch Vụ Cà Phê Cao Nguyên (thương hiệu cà phê Highlands)...

Đặc biệt, trong giai đoạn này, tỉnh đã thu hút được một số dự án thượng nguồn, quy mô lớn, vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Thái Lan), Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc).

Hóa-dầu-Long-Sơn.jpg
Tổ hợp dự án Hóa dầu miền Nam tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu. Ảnh: TK

Sản phẩm của các dự án này là nguồn nguyên liệu, nhiên liệu dồi dào cho các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo hạ nguồn, nhờ đó tạo tác động tích cực thu hút, thúc đẩy nhiều dự án sản xuất sản phẩm thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đầu tư vào tỉnh. Đồng thời đóng góp một lượng lớn vào nguồn thu ngân sách của địa phương...

Theo ông Đồng, tỉnh định hướng thu hút đầu tư các dự án sản xuất sạch, xanh, thân thiện với môi trường; đầu tư có chọn lọc, không chấp nhận các dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên, gây hại đến môi trường.

Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

DJI_0239.JPG
Bà Rịa - Vũng Tàu định hướng phát triển trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Ảnh minh họa: TK

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo từng chuyên ngành; tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế so sánh như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chuyên sâu, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển; chú trọng các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

Phát triển các ngành công nghiệp hóa dầu để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của ngành hóa chất trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN/CCN.

Cong-nghiep-xanh.jpg
Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới một nền công nghiệp sản xuất xanh, công nghệ cao. Ảnh minh họa: TK

Phát triển hạ tầng ngoài hàng rào các KCN và hệ thống hạ tầng xã hội của khu vực. Hướng đến một nền công nghiệp sản xuất xanh, sạch; bảo đảm đến năm 2025, 100% KCN/CCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn loại A.

Tăng cường kết nối các KCN trên địa bàn tỉnh và với các tỉnh/thành phố lân cận để hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp…

Đọc thêm