Nikkei, tờ báo tài chính lớn nhất của Nhật Bản vừa có bài viết gây chú ý về Quảng Ninh, không chỉ như một địa danh du lịch nổi tiếng nhất tại Việt Nam, mà còn đang nổi lên là địa phương vượt cả Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh khác về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy trong năm ngoái, Quảng Ninh đã đứng đầu cả nước với tổng số vốn FDI cam kết lên đến 3,1 tỷ USD. Hai địa phương phía Bắc khác là Thái Bình và Bắc Giang lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với kết quả thu hút vốn đầu tư FDI là 2,68 và 1,53 tỷ USD.
Đến quý I năm nay, tổng vốn FDI trên địa bàn Quảng Ninh đạt 851,34 triệu USD, bằng 170% kế hoạch. Kết quả này nằm trong mục tiêu của tỉnh là 2024 sẽ là năm thứ hai liên tiếp thu hút vốn đầu tư ít nhất 3 tỷ USD.
Đón đầu làn sóng đa dạng hóa địa điểm sản xuất
Theo lý giải của Nikkei, hai yếu tố quan trọng làm nên thành công thu hút FDI của Quảng Ninh chính là làn sóng đa dạng hóa địa điểm sản xuất của doanh nghiệp toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.
Quảng Ninh có đường biên giới cả trên đất liền và trên biển với Trung Quốc. Từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc gia tăng, các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài bắt đầu chú ý nhiều đến Quảng Ninh.
Với vị trí gần Trung Quốc và khoảng 250 kilomet đường bờ biển, lại có một cảng hiện đại mới được xây dựng gần Hạ Long, tỉnh Đông Bắc Việt Nam này được coi như điểm đến tốt nhất cả nước cho những doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Với việc mở nhà máy tại Quảng Ninh, doanh nghiệp toàn cầu vẫn tiếp cận tốt với chuỗi cung ứng hiện tại của Trung Quốc, đồng thời cũng dễ vận chuyển sản phẩm.
Đầu tư xanh và các ngành công nghệ mới
Xu thế đầu tư theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng xanh đang ngày được thế giới quan tâm. Quảng Ninh cũng không phải ngoại lệ.
Đầu tư năng lượng xanh tại Quảng Ninh cũng đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong bối cảnh tiêu chuẩn của ngành sản xuất toàn cầu đang gia tăng. Số lượng các nhà máy điện khí và điện gió tại Quảng Ninh đã tăng rất mạnh trong thời gian gần đây.
Điều này phản ánh cho thay đổi lớn về quan điểm chính sách phát triển bởi Quảng Ninh có nguồn tài nguyên rất lớn, trữ lượng than tại Quảng Ninh chiếm đến 90% của cả nước. Đồng thời nhiều ngành nghề khác ví như sản xuất thiết bị điện và hóa chất cũng đang mở rộng trong tỉnh.
Đầu tư tại Quảng Ninh cũng đang dần theo hướng xanh hóa. Các dự án điển hình ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện tại khu công nghiệp Texhong Hải Hà, huyện Hải Hà; dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại khu công nghiệp Sông Khoai Amata, thị xã Quảng Yên… Đây đều là những dự án thế hệ mới, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường.
Công ty Jinko Solar PV chuyên sản xuất sản phẩm quang điện tích hợp mới đây cũng đã công bố đầu tư nhà máy tại Quảng Ninh với tổng số vốn ước tính 1,5 tỷ USD.
Trục kết nối Hải Phòng và các tỉnh công nghiệp phía Bắc
Ba tỉnh thu hút vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2023 đều quanh khu vực Hải Phòng, địa phương đứng thứ 4 về thu hút vốn FDI.
Tại đây, từ năm 2018, cảng quốc tế Lạch Huyện đã chính thức chính thức đi vào hoạt động, mang đến cú huých thu hút vốn FDI cho chính Hải Phòng và các khu vực lân cận.
Đây là cảng container nước sâu lớn nhất miền Bắc Việt Nam, có khả năng tiếp nhận tàu với trọng tải lên tới 14.000 TEUs với tuyến dịch vụ trực tiếp đi châu Mỹ và châu Âu, giảm đáng kể thời gian và chi phí logistics. Trước đây, khu vực này chỉ có cảng nước nông và không thể đón được các tàu hàng cỡ lớn.
Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc liên tỉnh được nâng cấp mạnh mẽ trong những năm qua đã giúp cho việc vận chuyển hàng hóa tại khu vực xung quanh tỉnh Quảng Ninh trở nên thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.
Chi phí lao động và mặt bằng cạnh tranh
Quảng Ninh đang hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài còn bởi chi phí lao động và thuê nhà xưởng tại nhiều địa phương khác của Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh.
Dẫn số liệu từ Sufex Trading, một doanh nghiệp Nhật chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật khác vào Việt Nam, Nikkei cho biết chi phí thuê mỗi mét vuông mặt bằng tại các khu công nghiệp Hà Nội hiện tại ước tính khoảng từ 100-170USD, tăng lên đáng kể so với mức 90-120USD thời điểm năm 2019. Còn giá thuê mặt bằng khu công nghiệp tại TP.HCM dao động từ 160-270USD, cao hơn khá nhiều so với mức 130-160USD trước dịch COVID-19.
Trong khi đó, giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cạnh tranh hơn rất nhiều, chỉ từ 80-100USD mỗi mét vuông, so với mức 60-70USD trước đại dịch COVID-19.
Chi phí nhân công tại Quảng Ninh cũng rẻ hơn các thành phố lớn. Theo Tổng cục Thống kê, mức lương trung bình của người lao động tại Hà Nội năm 2022 ước tính khoảng 8,86 triệu đồng, và 9,1 triệu đồng tại TP.HCM, nhưng tại Quảng Ninh chỉ khoảng 7,03 triệu đồng.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của Quảng Ninh có thể sẽ bị thu hẹp trong thời gian tới, khi chi phí mặt bằng đang tiếp tục tăng lên, và mức lương để thu hút lao nhân lực cũng tăng lên khi ngày một nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Hàn Quốc đổ xô vào tỉnh này.
Hiện tại, Quảng Ninh đã có gần 200 doanh nghiệp FDI đến từ 20 quốc gia. Các nhà đầu tư này chủ yếu hướng tới các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã thu hút được 8 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn 478,3 triệu USD, bằng 15,9% kế hoạch năm. Nhờ đó, Quảng Ninh tiếp tục giữ vững vị trí tốp 3 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.