Thông tin với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay đến tối 30-11, nhiều vùng ven sông Ba thuộc TP Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa đã bị ngập nặng. Hàng ngàn căn nhà bị ngập sâu trong nước, hàng loạt xã, khu dân cư bị lũ cô lập. Quốc lộ 25, quốc lộ 29 từ TP Tuy Hòa đi Tây Nguyên, phần lớn các tuyến giao thông trọng yếu đã bị tê liệt, ách tắc do ngập sâu trong nước, sạt lở.
Lũ lên nhanh, tiểu thương không kịp dọn hàng
Theo ghi nhận của PV, hàng loạt đường phố Tuy Hòa bị ngập sâu trong nước, không thể đi lại. Khu vực xung quanh chợ trung tâm TP Tuy Hòa nước ngập gần 1 m, nước tràn vào các căn nhà dọc các đường Nguyễn Trãi, Duy Tân hơn 0,5 m. TP Tuy Hòa bị mất điện trên diện rộng.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (ngụ phường 4, TP Tuy Hòa) kể: “Lũ lên rất nhanh, chảy xiết. Gia đình tôi không kịp dọn hàng ở sạp ngoài chợ, hàng hóa bị ướt, hư hết. Tôi chạy về nhà, loay hoay một lát thì nước đã tràn vào nhà, cũng không kịp dọn đồ đạc gì cả”. Phần lớn tiểu thương ở chợ TP Tuy Hòa không kịp dọn hàng hóa do lũ lên bất ngờ, dâng nhanh.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kiểm tra xả lũ tại Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ chiều 30-11. Ảnh: TẤN LỘC
Tương tự, nhiều người dân ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa cho biết lũ bất ngờ dâng cao, lên nhanh khiến họ không kịp di dời tài sản, đồ đạc. Từ trưa 30-11, hàng loạt ô tô bị mắc kẹt trên quốc lộ 25 đoạn qua huyện Phú Hòa do lũ bất ngờ lên nhanh, làm nhiều đoạn đường ngập sâu trong nước.
“Tôi điều khiển ô tô từ TP Tuy Hòa đi huyện Sơn Hòa, khi đến xã Hòa Hội bị kẹt lũ. Vừa quay lại thì nước ngập khắp nơi, không thể di chuyển. Chưa bao giờ tôi thấy lũ lên nhanh như vậy” - ông Trần Thanh Tài (ngụ xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) nói.
Trao đổi với PV, lãnh đạo các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tây Hòa đều cho rằng lũ lên nhanh và lớn bất ngờ.
Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, hiện lũ đã gây ngập nặng rất nhiều vùng ở tỉnh này. Đến tối 30-11, chính quyền các địa phương ở Phú Yên đã sơ tán gần 3.500 hộ với gần 12.000 người đi tránh lũ.
Hiện quốc lộ 25 từ TP Tuy Hòa đi tỉnh Gia Lai bị tê liệt do nhiều đoạn ngập sâu trong nước. Quốc lộ 29 từ thị xã Đông Hòa (Phú Yên) đi tỉnh Đắk Lắk cũng bị ách tắc do sạt lở nghiêm trọng, mất hẳn chân đường tại đoạn qua xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Phần lớn các đường tỉnh, đường huyện ở Phú Yên cũng không thể lưu thông do ngập lũ, sạt lở nặng.
Thủy điện ở Tây Nguyên bất ngờ xả lũ xuống Phú Yên
Trong khi đó, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, dự báo lũ ở tỉnh này còn lên cao do các thủy điện tiếp tục xả lũ.
Theo ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, hồ thủy điện này bắt đầu tăng lưu lượng xả lũ từ sáng 30-11, do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả xuống thủy điện sông Ba Hạ với lưu lượng lớn. Đến trưa cùng ngày, tổng lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống hồ thủy điện sông Ba Hạ đã lên mức hơn 7.000 m3/giây.
Người dân xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa (Phú Yên) chạy lũ. Ảnh: TẤN LỘC
Do đó, đến 15 giờ cùng ngày, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã tăng lưu lượng xả lũ lên 9.400 m3/giây. Từ 16 giờ, cứ 30 phút giảm 1.000 m3/giây để tránh đỉnh triều cường lúc 19 giờ cùng ngày. Sau đó sẽ xả lũ với lưu lượng bằng lưu lượng nước về từ thượng nguồn.
Ông Trần Hữu Thế cho rằng nguyên nhân khiến nhiều vùng ở Phú Yên bị ngập nặng là do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ xuống sông Ba. Theo chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ngày hôm trước, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ còn báo cáo là hồ chứa đang trong tình trạng thiếu nước. Tuy nhiên, từ sáng 30-11, nước từ thượng nguồn Tây Nguyên đổ xuống quá lớn.
“Các thủy điện ở Tây Nguyên trên lưu vực sông Ba đã xả lũ hàng loạt, nhiều hồ xả 3.000-4.000 m3/giây. Tình trạng này làm cho hồ thủy điện sông Ba Hạ ở cuối cùng trên sông Ba - một hồ thủy điện vốn không có khả năng chứa nước phải nhận bao nhiêu xả hết bấy nhiêu. Điều này gây bất ngờ đối với chúng tôi” - ông Thế nói.
Đường phố Tuy Hòa ngập sâu trong lũ. Ảnh: TẤN LỘC
Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Phú Yên, để giảm thiểu thiệt hại đối với vùng hạ du, ông trực tiếp điều hành việc xả lũ với tinh thần linh hoạt.
“Chúng tôi đang chỉ đạo xả lũ linh hoạt. Khi thủy triều chưa lên thì cho tăng lưu lượng xả. Sau đó, cắt giảm lượng xả để bảo đảm cân bằng nước khi thủy triều lên. Khi thủy triều đạt đỉnh và rút thì chúng tôi cho tăng lượng xả trở lại để vừa cân bằng nước cả hạ du lẫn thượng nguồn, bảo đảm an toàn cho hồ đập” - ông Thế nói.
Ngoài ra, trước tình hình nguy cấp trên, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn cấp sơ tán hàng ngàn người dân ở các vùng trũng thấp, ven sông, có nguy cơ sạt lở. Việc sơ tán phải hoàn thành trước 16 giờ ngày 30-11.
15 người ở Gia Lai được giải cứu Từ ngày 29 đến rạng sáng 30-11, khu vực phía đông nam tỉnh có mưa lớn. Nước dâng nhanh khiến nhiều người dân từ tỉnh Bình Định lên Krông Pa trồng dưa trên các bãi bồi trên sông Ba không kịp vào bờ. Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết ngay khi nhận tin các lực lượng cứu hộ của huyện đã giải cứu được 15 người dân bị mắc kẹt. Huyện tiếp tục cử lực lượng rà soát ở các khu vực ngập lụt và đưa phương tiện hỗ trợ, di dời tài sản của người dân vùng ngập lụt đến nơi an toàn. |