Nhiều tỉnh hụt thu ngân sách vì bất động sản đang đóng băng

(PLO)- Nhiều tỉnh ở Tây Nguyên bị hụt thu ngân sách vì thị trường bất động sản đang bị đóng băng.

Ngày 29-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường biện pháp thu tài chính.

Bất động sản đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách ở Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Có huyện mới chỉ thu được hơn 2 tỉ đồng

Theo báo cáo gần đây của UBND tỉnh Đắk Nông về thực hiện biện pháp tài chính, tỉnh này đã thu được gần 631 tỉ đồng, đạt 20% Bộ Tài chính giao và đạt 17% so với nghị quyết HĐND tỉnh giao.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho hay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn cũng đã làm ảnh hưởng đến nguồn thu của tỉnh. Tính đến ngày 17-3, tỉnh đã thu được hơn 50 tỉ đồng, trong đó có nhiều địa phương đạt nguồn thu rất thấp.

Cụ thể, huyện Krông Nô đạt 2,1 tỉ đồng (đạt gần 4% kế hoạch), huyện Đắk R’lấp đạt 7,1 tỉ đồng (đạt khoảng 11% kế hoạch), TP Gia Nghĩa 7,9 tỉ đồng (đạt 5,3% kế hoạch)…

Một dự án bất động sản ở TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: TNT

Lý giải về việc thu ngân sách thu ngân sách từ bán đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) đạt tỉ lệ thấp, Chủ tịch UBND huyện Krông Nô Bùi Ngọc Sơn cho biết do đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

“Thông thường thị trường bất động sản sẽ nhộn nhịp trong quý III và quý IV sau khi hoàn thiện các thủ tục liên quan. Số liệu thu ngân sách từ chuyển QSDĐ trong ba tháng đầu năm của huyện đã tăng lên khoảng 7 tỉ đồng” – ông Sơn thông tin.

Chia sẻ thêm, ông Trần Văn Long, Cục trưởng Cục thuế tỉnh Đắk Nông, cho hay năm 2023 tỉnh Đắk Nông giao biện pháp thu tài chính từ việc chuyển quyền QSDĐ toàn tỉnh là hơn 866 tỉ đồng (năm 2022 thu đạt khoảng 680 tỉ đồng).

“Trong thời gian tới, tỉnh còn sử dụng khoảng 1.000 tỉ đồng từ việc chuyển QSDĐ để dành cho việc làm dự án cao tốc Gia Nghĩa -Chơn Thành. Tuy nhiên, tình hình chung hiện nay là địa phương đang gặp khó khăn trong chuyển nhượng QSDĐ” – ông Long nói.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, ông Lê Trọng Yên cho biết UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu các sở, ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thuế, thu hồi nợ thuế, chống thất thu ngân sách; đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, có rủi ro cao về thuế như khai thác khoáng sản, kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản…

“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện cải cách hành chính trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển nhượng QSDĐ; đấu giá QSDĐ dôi dư; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là hoạt động khai thác cát trên địa bàn các huyện Cư Jút, huyện Krông Nô…” - ông Lê Trọng Yên thông tin.

Đất vẫn là nguồn tăng thu duy nhất

Theo một lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, năm 2022 tỉnh này thu được gần 3.500 tỉ đồng. Trong đó, các công ty thủy điện đóng góp gần một nửa, Công ty nhôm Đắk Nông-TKV đạt khoảng 400 tỉ đồng; Khu công nghiệp Tâm Thắng (huyện Cư Jút) chỉ đóng cho ngân sách khoảng 10 tỉ đồng…

Dự án khu dân cư trên diện tích 5,4 ha ở TP Buôn Ma Thuột đem lại nguồn thu cho ngân sách khoảng 800 tỉ đồng. Ảnh: VŨ LONG

Trong năm 2023, HĐND tỉnh Đắk Nông giao biện pháp thu tài chính là 3.650 tỉ đồng, trong đó đất đai sẽ “gánh” phần tăng thu này. Còn điện gió đang trong thời gian miễn giảm thuế nên đóng góp cho ngân sách cũng chưa nhiều.

Còn ông Bùi Văn Yên, giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk thừa nhận trong ba tháng đầu năm nay, thu ngân sách tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, do thị trường bất động sản đang đóng băng. Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk thu được hơn 9.100 tỉ đồng tiền thuế thì phần thu từ đất đai chiếm hơn 3.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, cũng trong năm này, một nhà máy bia đã nộp cho ngân sách hơn 1.200 tỉ đồng, các công ty thủy điện (thống kê từ 9 công ty thủy điện do Cục Thuế Đắk Lắk cung cấp), đóng góp hơn 560 tỉ đồng cho ngân sách tỉnh Đắk Lắk...

Một dự án phân lô bán nền ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Năm 2023, tỉnh Đắk Lắk thực hiện biện pháp thu tài chính khoảng 10.100 tỉ đồng (tăng 1.000 tỉ đồng so với năm 2022), trong đó thu từ chuyển QSDĐ là 3.900 tỉ đồng.

“Hiện việc bán đất đang gặp khó khăn không chỉ ở Đắk Lắk mà còn tình trạng chung của cả nước. Nguyên nhân chính là do ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay, dẫn việc bán đất rất khó giao dịch. Ngoài ra, ở Đắk Lắk còn có tình trạng mua đất xong rồi bỏ cọc; nhiều nơi xây dựng xong cơ sở hạ tầng (khu dân cư-PV) bán QSDĐ nhưng vẫn khó bán... Dự báo thời gian tới thị trường vẫn khá ảm đạm”- ông Bùi Văn Yên cho hay.

Còn đối với tỉnh Kon Tum, năm 2022, thu ngân sách nhà nước của tỉnh đạt hơn 4.000 tỉ đồng, trong đó thu từ đất chiếm khoảng 900 tỉ đồng (thu tiền sử dụng đất hơn 330 tỉ đồng, thu từ các dự án khai thác quỹ đất 570 tỉ đồng). Năm nay, UBND tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu và phấn đấu thực hiện thu ngân sách nhà nước trên đạt 4.500 tỉ đồng.

Khu vực đấu giá khu dân cư phường Chi Lăng, TP Pleiku. Ảnh: Lê Kiến

Ông Đinh Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai, cho biết toàn tỉnh hiện có tám dự án đấu giá quyền sử dụng đất đang vướng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai đấu giá, đấu thầu. Nếu việc này kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách địa phương.

Cục trưởng Cục thuế tỉnh Gia Lai ông Lê Minh Nhựt, cho hay năm 2023, dự kiến Gia Lai thu ngân sách đạt 5.910 tỉ đồng. Toàn tỉnh, nguồn thu từ sử dụng đất đạt 1.018 tỉ đồng. Quý I-2023, tỉnh thu ngân sách ước đạt 27-28% so với kế hoạch giao.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ rất thấp

Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk, cho biết sở đang hoàn thiện báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.

“Ba tháng đầu năm giải ngân còn thấp. Vì thời điểm này đang là giai đoạn hoàn thiện các thủ tục liên quan đầu tư dự án” – ông Đinh Xuân Hà nói.

Năm 2023, tỉnh Đắk Nông được bố trí hơn 3.822 tỉ đồng, trong đó kế hoạch vốn của năm 2022 chuyển sang là hơn 349 tỉ đồng. Tính đến nay, tỉnh này mới giải ngân được hơn 393 tỉ đồng (đạt hơn 10%).

Còn tại tỉnh Gia Lai được bố trí hơn 3.700 tỉ đồng, đến nay mới giải ngân được gần 200 tỉ đồng (đạt gần 5,4%).

Tính đến cuối tháng 2-2023, tỉnh Kon Tum chỉ giải ngân được khoảng 190 tỉ đồng, đạt gần 7% so với thực nguồn kế hoạch địa phương giao gần 3.000 tỉ đồng và đạt khoảng 5,30% so với kế hoạch vốn Trung ương giao gần 3.600 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới