Liên quan đến việc đón người dân từ TP.HCM về quê, các tỉnh, thành có người dân đang sinh sống và làm việc tại TP đang tiếp tục nỗ lực rà soát, tổ chức các chuyến đưa người dân có nguyện vọng về quê sớm nhất và bảo đảm an toàn.
Người dân Bình Định sinh sống tại TP.HCM về đến sân bay Phù Cát được
đưa đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: TM
Bình Định: Đưa dân về đảm bảo an toàn, càng nhiều càng tốt
Hôm 17-8, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức chuyến bay thứ sáu, đưa 190 người dân của tỉnh gặp khó khăn tại TP.HCM về quê. Dự kiến chuyến bay tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 22-8.
Trước đó, vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8, tỉnh Bình Định cũng tổ chức năm chuyến bay, đưa 935 người dân của tỉnh có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM về quê. Toàn bộ chi phí máy bay, đi lại, ăn ở, xét nghiệm do tỉnh Bình Định hỗ trợ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, nói việc đưa bà con ở TP.HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về quê là việc làm rất cấp thiết. “Lãnh đạo tỉnh Bình Định và bản thân tôi rất trăn trở việc này. Ngày nào đọc thông tin thấy bà con khó khăn vẫn còn ở trong đó, rất xót xa! Quan điểm của tỉnh là bằng mọi cách, trong phạm vi có thể đưa bà con về được càng nhiều càng tốt và phải bảo đảm an toàn” - ông Dũng nói.
Theo bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cần nhanh chóng tổ chức đưa người dân đang gặp khó khăn tại TP.HCM về quê để chia sẻ, góp phần giảm áp lực cho TP.HCM. “Đảng bộ, chính quyền TP.HCM nỗ lực hết sức để hỗ trợ người lao động các tỉnh tại TP. Tuy nhiên, số lượng lao động, người các tỉnh còn mắc kẹt tại đây quá lớn” - ông Dũng nói và cho hay hiện có đến hàng chục ngàn người Bình Định tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam đăng ký về quê. Qua xác minh ban đầu, có khoảng 5.000 người rất khó khăn.
Trước đây, tỉnh giao Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM lập danh sách người dân, rồi tỉnh tổ chức đưa về bằng máy bay. Tuy nhiên, qua phản ánh có bất cập là nhiều người không nắm được thông tin. Do đó, tỉnh Bình Định sẽ giao các địa phương rà soát đến từng thôn, xóm để xác định những trường hợp nào đang ở TP.HCM thật sự khó khăn thì lập danh sách đưa về.
Cũng theo người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bình Định, để có thể đưa được nhiều người dân về quê, tỉnh đang giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh rà soát để mở rộng, nâng cao năng lực các khu cách ly tập trung. “Tỉnh chủ trương dành các khu cách ly tập trung để phục vụ cho những người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các vùng có dịch. Còn người dân tại chỗ chủ yếu cách ly tại nhà theo mô hình mới” - ông Dũng thông tin.
TP Cần Thơ sẵn sàng đón người dân từ TP.HCM về Quan điểm của TP Cần Thơ là sẵn sàng đón người dân từ TP.HCM về Cần Thơ. TP đang khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan lên phương án cụ thể và rà soát lại danh sách người dân ở TP.HCM có nhu cầu về (khoảng 400 người) để bố trí lực lượng đón trong thời gian sớm nhất. TP Cần Thơ cũng tiếp tục phối hợp với tỉnh Bình Dương để đón người dân Cần Thơ đang sinh sống, làm việc, học tập ở Bình Dương như Kế hoạch số 160 ngày 30-7-2021 của UBND TP Cần Thơ (khoảng 600 người). Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ NGUYỄN THỰC HIỆN |
Đắk Lắk: Chuẩn bị đón 400 người từ Đồng Nai về quê
Theo dự kiến, sáng 20-8, hơn 400 người dân của tỉnh Đắk Lắk sẽ được đưa từ Đồng Nai trở về quê.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai nhận văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc phối hợp hỗ trợ đưa người dân tỉnh Đắk Lắk đang tạm trú tại Đồng Nai trở về địa phương.
Theo văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk, qua rà soát, thống kê, hiện nay có hơn 1.300 người dân tỉnh Đắk Lắk thuộc các đối tượng đặc biệt khó khăn, gồm người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người đi khám chữa bệnh, thăm thân nhân, công tác chưa trở về được, người khuyết tật… đang tạm trú tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh có nhu cầu trở về quê.
Để chia sẻ khó khăn với tỉnh Đồng Nai và hỗ trợ người dân của tỉnh Đắk Lắk trở về địa phương theo nguyện vọng và đúng quy định, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất, phối hợp, có văn bản chấp thuận phương án tổ chức đón khoảng 400 công dân của tỉnh Đắk Lắk trở về địa phương. Thời gian tiếp nhận dự kiến 8 giờ ngày 20-8.
Điều kiện những người dân trở về quê được UBND tỉnh Đắk Lắk nêu rõ: Trong nhóm người ưu tiên, có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19, người dân cam kết chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng làm nhiệm vụ tại địa điểm tập trung và trong quá trình di chuyển về tỉnh Đắk Lắk.
Trường hợp nào xét nghiệm âm tính sẽ được sắp xếp về tỉnh Đắk Lắk, trường hợp công dân nào có kết quả dương tính đề nghị ở lại để điều trị theo quy định. Bên cạnh đó, hai bên thống nhất bố trí địa điểm tập trung người dân, thời gian đón, phối hợp hỗ trợ thông báo cho người dân. Cùng với đó, chỉ đạo các chốt kiểm soát dịch tại địa phương cho phép các phương tiện vận chuyển hành khách của đoàn công tác tỉnh Đắk Lắk hoặc của tỉnh.
Hỗ trợ lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự tại địa điểm tập trung, hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục xét nghiệm, sắp xếp công dân, phương tiện cá nhân lên xe và giải quyết các trường hợp phát sinh khác.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai, hơn 400 người dân tỉnh Đắk Lắk sẽ tập trung tại sân vận động Đồng Nai (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) vào lúc 8 giờ ngày 20-8. UBND tỉnh Đắk Lắk bố trí xe đón người và phương tiện cá nhân (xe máy) về địa phương.
Bến Tre: Đã đưa dân về hai đợt, đang xem xét tiếp Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bến Tre Phạm Thanh Hùng cho biết tỉnh này đang tổ chức đưa công dân Bến Tre từ TP.HCM về quê đợt 2. Có 770 người dân được đưa về trong đợt 2, diễn ra trong các ngày 15, 16 và 17-8. Cụ thể, ngày 15-8, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với ngành chức năng và Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tổ chức đưa 202 người dân các huyện Giồng Trôm, Bình Đại và Chợ Lách về quê. Ngày 16-8, có 267 người dân các huyện Thạnh Phú, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Ba Tri được đưa về quê và đưa vào các khu cách ly tập trung của từng huyện. Các công dân còn lại của huyện Mỏ Cày Bắc và TP Bến Tre được đón về vào ngày 17-8. Theo đó, đợt 2, danh sách có 770 công dân đăng ký về quê; thực tế số công dân được rước về quê là 678 người. Trước đó, để chuẩn bị cho công tác đưa công dân từ TP.HCM về, Sở LĐ-TB&XH tỉnh phối hợp với Ban liên lạc đồng hương Bến Tre lo chu đáo nên các đợt đưa công dân về hầu như rất thuận lợi. Nhà xe Phương Trang cũng rất nhiệt tình hỗ trợ đoàn xe đưa miễn phí công dân về quê. Theo ông Hùng, trong đợt 2 này, người dân trước khi về quê được tiêm vaccine và được hỗ trợ chi phí test nhanh COVID-19. Khi về quê, các công dân sẽ phải cách ly tập trung bảy ngày và cách ly tại nhà bảy ngày. Như vậy, từ ngày 30-7 đến nay, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành hai đợt tổ chức rước người dân từ TP.HCM về quê với tổng cộng 1.164 người. “Hai đợt đón vừa rồi diễn ra khá thuận lợi. Sau đợt 2, Sở LĐ-TB&XH tỉnh sẽ xin ý kiến Tỉnh ủy và UBND tỉnh, Ban liên lạc đồng hương Bến Tre tại TP.HCM về việc xem xét có tiếp tục đón công dân về nữa không” - ông Hùng cho hay. Cũng theo ông Hùng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều công dân Bến Tre đang làm việc và sinh sống tại Đồng Nai, Bình Dương cũng có nguyện vọng về quê. Tuy nhiên, tại các tỉnh này hiện không có Ban liên lạc đồng hương Bến Tre, không có đầu mối tổ chức tập hợp nên tỉnh chưa có chủ trương đón rước. ĐÔNG HÀ |