Nhiều ưu điểm trong mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng

(PLO)- Việc Đà Nẵng thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị mang lại nhiều ưu điểm vượt trội và TP kiến nghị sửa đổi một số quy định để mô hình này ưu việt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 30-8, TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

đà nẵng

Đà Nẵng sơ kết ba năm thực hiện Nghị quyết 119/2020 của Quốc hội. Ảnh: TẤN VIỆT

Khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho hay, ba năm qua, TP phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội của TP.

Trong bối cảnh đó, việc thí điểm mô hình CQĐT đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu phát huy những ưu điểm, tính ưu việt của mô hình này như đảm bảo phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng trong phát triển Đà Nẵng.

Tuy nhiên theo ông Triết, quá trình triển khai mô hình CQĐT cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc cần xử lý để mô hình này hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, Đà Nẵng đã tập trung nghiên cứu, đề xuất Trung ương sửa đổi nhiều nội dung, quy định nhằm giúp mô hình CQĐT trở nên ưu việt hơn nữa.

lương nguyễn minh triết

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết. Ảnh: TẤN VIỆT

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng cho hay, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP và UBND quận, phường được rà soát, bổ sung phù hợp trong mô hình CQĐT khi không tổ chức HĐND quận, phường.

Theo ông Minh, tinh thần dân chủ được phát huy thông qua công tác giám sát. Phản biện xã hội của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, thông qua việc tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND quận, phường với người dân được tổ chức định kỳ ít nhất mỗi năm hai lần.

Ngoài ra, cơ chế công vụ đối với công chức UBND phường thuộc biên chế của UBND quận và quản lý như đối với công chức quận trở lên tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp.

Điều này đã tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động cán bộ giữa quận – phường và ngược lại.

Chủ tịch UBND các phường tại Đà Nẵng được ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp – Hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản. Công tác này được đánh giá cao vì mang lại sự nhanh chóng và tiện ích trực tiếp cho nhân dân.

Tuy vậy, Đà Nẵng cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính ngân sách, công tác tổ chức bộ máy và chế độ công vụ, công chức.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đề nghị Trung ương cho phép UBND TP phân công Chủ tịch UBND TP thay mặt UBND TP xem xét, quyết định những vấn đề đột xuất, cấp bách cần xử lý gấp và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền của UBND TP.

Điều này nhằm rút ngắn quy trình thủ tục, thời gian giải quyết công việc. Chủ tịch UBND TP báo cáo những vấn đề đã quyết định cho UBND TP bằng hình thức gửi văn bản đã quyết định cho thành viên UBND.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm