Ngày 22-7, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị chuyên đề về phân cấp, ủy quyền theo mô hình chính quyền đô thị.
Tại hội nghị, TP cũng công bố dự thảo lần thứ tư Đề án Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP nhằm lấy ý kiến các cơ quan liên quan.
TP Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: TẤN VIỆT
Từ thực tiễn kinh nghiệm phân cấp quản lý
Từ năm 2016, Đà Nẵng đã thực hiện kế hoạch phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực giai đoạn 2016 – 2020. Các ngành đã tham mưu HĐND, UBND TP các quy định phân cấp quản lý đối với năm ngành trọng tâm (tổ chức bộ máy - nhân lực, đầu tư, đất đai, đô thị và tài chính - ngân sách), kết quả đã tạo tính chủ động cho các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra có nhiều lĩnh vực khác được mạnh dạn đề xuất để UBND TP phê duyệt thực hiện, tạo được tính đồng bộ trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ.
Đặc biệt, các nội dung đề nghị phân cấp đã gắn với quy trình giải quyết hồ sơ công việc, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý, quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các cơ quan.
Tuy nhiên, qua bốn năm thực hiện, công tác phân cấp, ủy quyền trên địa bàn TP cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, các cơ quan Trung ương đang soạn thảo, dự kiến sửa đổi nhiều luật, văn bản dưới luật hướng dẫn công tác quản lý nhà nước tại địa phương. Một số nội dung phân cấp vướng mắc, hạn chế cần điều chỉnh nhưng phải chờ hướng dẫn của Trung ương.
Một số nội dung phân cấp chưa tính đến yếu tố yêu cầu nhiệm vụ, điều kiện địa phương, tính thống nhất trong quản lý chính quyền đô thị và việc phù hợp, sát với cấp hành chính. Việc các đơn vị, địa phương được phân cấp chưa chủ động, chậm triển khai cũng ảnh hưởng đến hiệu quả phân cấp.
Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ trước đây do sở ngành quản lý được phân cấp, ủy quyền về cho quận huyện. Nhưng trong điều kiện tinh giản biên chế, số lượng biên chế vốn tại các sở ngành đã rất thấp, TP không có biên chế để phân bổ thêm cho các quận huyện.
Việc phân cấp quản lý chưa đi đôi với phân cấp ngân sách dẫn đến các địa phương không chủ động trong tổ chức thực thi nhiệm vụ được giao và cân đối ngân sách thực hiện.
HĐND, UBND TP Đà Nẵng được tăng thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn. Ảnh: TẤN VIỆT
Tăng quyền hạn, quy định rõ nhiệm vụ từng cấp
Theo dự thảo, ngoài các nội dung nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các quy định liên quan, Đà Nẵng rà soát các nhiệm vụ của HĐND TP, UBND TP, UBND quận được giao tại Nghị quyết 119 Quốc hội để xem xét phân cấp, ủy quyền.
Cụ thể, HĐND TP quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình.
HĐND TP quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, trung hạn và hàng năm của TP, quận, phường.
UBND TP quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công thuộc quận, phường quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công. UBND TP quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận.
Dự thảo lần này cũng quy định UBND quận thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND TP theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. UBND quận đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách nhà nước với UBND TP.
UBND quận chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ quận đến cơ sở, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính.
Nguyên tắc phân cấp lần này nhằm phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo lĩnh vực và địa bàn.
“Bảo đảm một việc không quá hai cấp hành chính quản lý. Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cho cấp đó thực hiện” – dự thảo của UBND TP Đà Nẵng nêu rõ.
Dự thảo cũng nêu ra các lĩnh vực phân cấp trọng tâm thời gian tới gồm: Tổ chức bộ máy, nhân lực; quản lý đô thị; quản lý đầu tư; quản lý đất đai và tài chính - ngân sách.
Bản dự thảo cũng đưa ra dự báo tác động của đề án. Theo đó TP sẽ hình thành nguyên tắc quản lý trong hoạt động thực thi công vụ theo hướng UBND TP giao quyền chủ động xử lý và chịu trách nhiệm đối với các công việc thực hiện, gắn với an sinh xã hội cho thủ trưởng các sở ngành, quận huyện.
Đồng thời, cắt giảm các thủ tục và tầng nấc trung gian đối với những nội dung quản lý đã có tiêu chuẩn, định mức, giảm cơ chế xin - cho, quan liêu, chờ xin ý kiến, chờ thảo luận.
Trong năm 2021, các sở ngành tham mưu UBND TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ủy quyền ít nhất 46 nhiệm vụ của UBND TP và 23 nhiệm vụ của Chủ tịch UBND TP cho sở ngành, quận huyện, thủ trưởng các sở ngành và Chủ tịch UBND quận huyện. Đà Nẵng thực hiện việc rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật về phân cấp quản lý, phấn đấu giảm 25 đầu công việc, thủ tục hành chính tại UBND TP. Đồng thời, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đặc biệt như đầu tư, đất đai, đô thị. |