Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ khai mạc tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào hôm nay (18-11) và kéo dài đến ngày mai. Tham gia có lãnh đạo 21 nền kinh tế thuộc APEC. Sau hai năm đại dịch, thượng đỉnh lần này là dịp để lãnh đạo các nền kinh tế cùng thảo luận và triển khai các biện pháp mới trong bối cảnh cục diện chính trị - kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi lớn.
Nhiều ưu tiên kinh tế quan trọng
Theo tờ The Daily Sabah, khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 20 năm trở lại đây tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định, song sự phát triển này không đồng đều. Châu Á - Thái Bình Dương lúc này đang có sự phân hóa rất rõ nét giữa những nền kinh tế phát triển nhất và đang phát triển. Do đó, ưu tiên cần giải quyết hiện nay là mỗi nền kinh tế trong khu vực phải đặt ra một lộ trình để thu hẹp khoảng cách giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất, phù hợp với các cam kết đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc.
29
chốt kiểm soát được lập ở Bangkok và 35.000 cảnh sát được Thái Lan điều động bảo vệ an ninh thượng đỉnh APEC năm nay, theo tờ The Bangkok Post.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Kinh tế quốc tế thuộc Bộ Thương mại Thái Lan Cherdchai Chaivaivid cho biết đây là năm đầu tiên APEC bước vào giai đoạn triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa. Kế hoạch này được thông qua năm ngoái nhằm thực hiện tầm nhìn Putrajaya về một “cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người và các thế hệ tương lai”. Theo đó, APEC sẽ không chỉ dừng ở phát triển kinh tế và trao đổi thương mại mà sẽ còn phải nỗ lực thúc đẩy hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội như những cách thức để đạt được sự tăng trưởng chung giữa các thành viên.
Theo báo cáo kinh tế APEC 2022 do Ủy ban Kinh tế APEC cùng Đơn vị hỗ trợ chính sách APEC công bố ngày 16-11, mức chi cho các biện pháp thúc đẩy các sáng kiến kinh tế xanh, bền vững hiện tương đối thấp ở hầu hết thành viên APEC. Báo cáo cũng lưu ý rằng các nền kinh tế nên chú trọng đầu tư cho các sáng kiến này nhằm tạo được động lực và thúc đẩy tăng trưởng xanh - yếu tố quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế và cải thiện môi trường.
Kỳ vọng từ mô hình phát triển bền vững mới
Thái Lan, trên cương vị là chủ tịch APEC 2022, đã xây dựng một chương trình nghị sự mới với chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng” với nhiều nội dung tiến tới thúc đẩy các mục tiêu trên. Tờ The Nation Thailand cho biết chương trình này tập trung vào kiến tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại giữa các nền kinh tế thành viên, tiếp tục đối thoại về xây dựng Khu vực tự do thương mại châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).
Bên cạnh đó, chương trình do Thái Lan đưa ra dự kiến cũng sẽ tập trung vào việc khôi phục các hoạt động du lịch xuyên biên giới an toàn và liền mạch, qua đó phục hồi sức mạnh du lịch và các ngành dịch vụ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hoạt động di chuyển của khối tư nhân, đồng thời mở rộng cơ hội áp dụng công nghệ số để tăng tốc kết nối trong khu vực.
Một điểm mới trong kỳ thượng đỉnh APEC năm nay sẽ là mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG) do Thái Lan khởi xướng. Thái Lan cho biết đã áp dụng thành công mô hình này trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và tin tưởng đây sẽ là giải pháp để APEC tham khảo nhằm giúp kinh tế phát triển bền vững hơn.
Thượng đỉnh APEC 2022 sẽ khai mạc ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) hôm nay. Ảnh: BERNAMA |
Mô hình BCG đề ra bốn mục tiêu: (1) Ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0; (2) thương mại và đầu tư bền vững; (3) quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn môi trường, đa dạng sinh học; (4) quản lý rác thải bền vững. Mô hình khuyến khích các bên sản xuất áp dụng các kỹ thuật có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và có tác động tối thiểu hoặc không ảnh hưởng đến môi trường.
Phó Chủ tịch Cơ quan phát triển khoa học và công nghệ Thái Lan Janekrishna Kanatharana nhấn mạnh việc đưa BCG vào APEC năm nay sẽ góp phần tăng cường đối thoại giữa các thành viên về quan hệ giữa kinh tế và khí hậu. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Tanee Sangrat hy vọng các lãnh đạo APEC sẽ thảo luận và thông qua thành công Tuyên bố Bangkok về mô hình BCG vào ngày mai, 19-11.•
Hội nghị bộ trưởng APEC bàn về BCG bền vững
Ngày 17-11, tại Bangkok diễn ra phiên họp cấp bộ trưởng của 21 nền kinh tế APEC. Hội nghị do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawit đồng chủ trì.
Ông Don Pramudwinai cho biết thế giới đang phải vật lộn với siêu lạm phát kết hợp với suy thoái kinh tế, với tình trạng chuỗi cung ứng bị phá vỡ, với thiên tai vì biến đổi khí hậu. Đó là lý do tại sao APEC năm nay phải vượt qua những thách thức này và mang lại hy vọng cho thế giới nói chung rằng một khi hợp tác thì các nền kinh tế đều có thể vượt qua và thịnh vượng.
Về nội dung trao đổi, bộ trưởng các nền kinh tế đã trao đổi quan điểm về mô hình BCG và cách mô hình này có thể giúp các thành viên APEC đạt được sự phục hồi bền vững và toàn diện, cũng như tăng trưởng dài hạn.
“Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xâm nhập vào thế giới một cách không thể tránh khỏi, kêu gọi chúng ta suy nghĩ lại về chiến lược tăng trưởng của mình theo hướng tăng cường tính bền vững, tính toàn diện và về cơ bản nhất là cân bằng hơn” - theo ông Don Pramudwinai.